Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh

Công nghệ số có thể theo dõi lượng phát thải, từ đó doanh nghiệp lên kế hoạch cắt giảm phát thải hiệu quả. Ảnh: Hoàng Anh

Chuyên sản xuất thảo dược, tinh dầu với dịnh hướng phát triển sản phẩm dược liệu gắn với du lịch sinh thái, Hợp tác xã Gò Nổi đã ứng dụng các giải pháp công nghệ số nhằm theo dõi thời gian xuống giống, bón phân, thu hoạch.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Anh, Giám đốc Hợp tác xã Gò Nổi, những công nghệ này giúp hợp tác xã tích hợp hiệu quả mô hình nông nghiệp tuần hoàn vào quy trình sản xuất, qua đó giảm phát thải, tiết kiệm nguồn nhân lực, tiếp cận tốt hơn với thị trường và người tiêu dùng.

Trong khi đó, Công ty TNHH Enosta, đơn vị cung cấp giải pháp thiết kế, xây dựng sản phẩm công nghệ và thương hiệu số, đang tập trung vào phát triển một số công cụ như quản lý bất động sản và đo lường khí thải carbon, dựa trên phân tích dữ liệu để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu phát thải.

Ông Trần Xuân Vũ, Đại diện Enosta, cho biết, công nghệ số đóng vai trò rất quan trọng giúp doanh nghiệp giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Chẳng hạn, doanh nghiệp cần có công nghệ số giúp theo dõi và đo lường khí thải carbon, từ đó lên phương án cắt giảm khí thải, hoặc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp đo lường và giảm thiểu tiêu hao năng lượng trong vận hành sản xuất, kinh doanh.

Gỡ khó về vốn cho ứng dụng công nghệ số chuyển đổi xanh

Đạt được hiệu quả bước đầu nhờ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tuy nhiên, theo bà Kiều Anh, Hợp tác xã Gò Nổi có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn về vốn đầu tư vào công nghệ. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay cũng tương đối khó khăn.

Mặt khác, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp cũng không đơn giản khi hạ tầng, kỹ thuật còn chưa được đồng bộ.

“Lao động ở hợp tác xã chủ yếu là bà con nông dân, khả năng tiếp cận công nghệ là thách thức lớn”, bà Kiều Anh cho biết tại Hội thảo "Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Từ góc nhìn đơn vị cung ứng giải pháp, ông Vũ đồng tình rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào các mục tiêu chuyển đổi xanh yêu cầu nguồn vốn đáng kể phục vụ cho nghiên cứu và thực hành.

Điều này là trở ngại lớn cho nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vốn chiếm đến 96% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, cũng như các hợp tác xã có quy mô không lớn.

Nói về điều này, TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết, hiện nay, một số ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã bắt đầu cung cấp tín dụng xanh, doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tiếp cận để được bổ sung nguồn vốn cho các công nghệ số theo hướng chuyển đổi xanh.

Ông Mạnh cho biết, cấp tín dụng xanh đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, do đó doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để nắm bắt cơ hội.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi xanh có thể tìm kiếm nguồn lực tài chính từ tín chỉ carbon.

Ông quân cho biết, hiện đang có nhiều tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu mua tín chỉ carbon, sẽ là lợi thế tốt cho các doanh nghiệp, dự án, địa phương có thực hành tốt trong giảm phát thải, chuyển đổi xanh.