Sự đột phá về thương mại và hạn chế những rào cản công nghệ là những điều cần phải có để ngăn chặn sự tăng trưởng của CALT và BYD – hai doanh nghiệp đầu ngành sản xuất pin xe điện Trung Quốc.
CALT VÀ BYD - "THẮNG" NHỜ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
CALT hiện đang cung cấp pin giá rẻ cho 1/3 số xe điện trên toàn thế giới. Chính điều này khiến CALT trở thành tâm điểm của mọi hãng xe công nghệ đang “nhăm nhe” phát triển dòng ô tô điện thế hệ mới với giá cả phải chăng. Tuy mới thành lập được 12 năm nhưng CALT đang cho thấy khả năng lấn lướt nhiều ông lớn trong ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Dưới sự điều hành của Robin Zeng, CALT đã kiểm soát được khoảng 37% thị phần pin xe điện, cung cấp cho hàng loạt các thương hiệu lớn như Telsa hay BMW, Ford, Volkswagen.
Đại diện CALT cho biết, doanh nghiệp non trẻ khó có thể bắt kịp cuộc chơi nhưng chúng tôi đang đi trước trong việc đổi mới và tập trung đẩy mạnh khả năng chuyển đổi những thành tựu của R&D để sản xuất hàng loạt. Với khoảng 18,000 chuyên viên nghiên cứu cùng ngân sách dành cho hoạt động R&D được tăng gấp đôi so với năm ngoái, CALT đang cho thấy quyết tâm “liên tục đột phá” để trở thành người dẫn đầu trên thị trường pin xe điện.
Thậm chí, Tập đoàn này còn thiết kế trụ sở chính đặt tại Ninh Đức – một tỉnh miền Đông Trung Quốc theo mô phỏng các cấu trúc phân tử lithium-ion cells. Một ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy “sức hấp dẫn” của CALT chính là Ford đã sẵn sàng chi tiền để mua bí quyết về công nghệ và kỹ thuật của Tập đoàn này với mục tiêu xây dựng một nhà máy sản xuất tại Michigan với tổng số vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD.
BYD cũng là một minh chứng tiêu biểu không kém cho thấy sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất pin xe điện. Với sự hậu thuẫn của Warren Buffett, BYD của Wang Chuanfu đã kiểm soát tới 15% thị phần, cung cấp cho các doanh nghiệp nội địa và cả đối thủ đang hoạt động ngay tại Trung Quốc.
Cả CALT và BYD đang tạo nên một cuộc đua khốc liệt với các hãng sản xuất pin đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai tập đoàn này đang khiến các doanh nghiệp Mỹ và EU chạy đua tìm kiếm giải pháp thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc cho dù tiêu tốn nhiều tiền bạc. Tuy nhiên, với hướng phát triển dòng pin giá rẻ để đáp ứng nhu cầu di chuyển thường ngày của phần đông khách hàng thì câu hỏi đặt ra là, quốc gia nào có thể phát triển dòng pin rẻ hơn để phá vỡ thế độc tôn của các doanh nghiệp Trung Quốc?
Bởi vấn đề khoảng cách “giá vốn hàng hoá” mới thực sự là cuộc chiến của các công ty sản xuất pin, khiến các doanh nghiệp này phải chạy đua đổi mới công nghệ. Thách thức lớn nhất của LG, SK hay Samsung đến thời điểm này chính là tìm ra các nguyên tố thay thế Lithium, Niken, mangan hay Coban mà vẫn đạt hiệu suất mong muốn khi sản xuất pin Lithium.
Bill Russo – Nhà sáng lập Automobileity cho rằng, thế giới đang chỉ muốn giải quyết bài toán về hiệu suất chứ không phải là giá thành của pin. Trong khi Trung Quốc thì ngược lại, họ muốn dân tộc hoá xe điện.
“Trung Quốc muốn biến pin xe điện trở thành hàng tiêu dùng, nằm trong mức chi trả của người dân Trung Quốc. Với chiến lược này, Trung Quốc sẽ là người chiến thắng”, Bill nói.
Hiện, một công nghệ sản xuất Pin Lithium đang áp dụng trên các dòng xe điện bán ngoài Trung Quốc do khả năng tích điện tốt và hiệu suất cao hơn so với công nghệ LFP mà CATL đang sản xuất. Tuy nhiên, giá thành của dòng pin này lại đắt hơn và tuổi thọ pin cũng ngắn hơn, đặc biệt là có “tiền sử” cháy nổ.
Tim Bush - Chuyên gia phân tích của UBS (Seoul, Hàn Quốc) cho rằng, công nghệ LFP của Trung Quốc sẽ thống trị thị trường pin xe điện toàn cầu nhưng không vì thế mà thay đổi đặc tính lái xe của phương Tây so với Trung Quốc. “Người dân Trung Quốc thích di chuyển trên quãng đường ngắn trong thành phố lớn với nhiều trạm sạc pin. Trong khi người Bắc Mỹ thấy việc lái xe 500 dặm (tương đương 800 km) trong một ngày cuối tuần là việc hoàn toàn bình thường”, Tim nhấn mạnh.
RẺ LÀ THẮNG?
Ngoài ra, Tim Bush còn cho rằng, khi kế hoạch khai thác Niken của Indonesia đi vào hoạt động trong thập kỷ tới, cách biệt về giá thành của sản xuất pin NMC và pin LFP sẽ giảm đáng kể. Chính điều này đã khiến Panasonic chuyển hướng sản xuất “pin nhà giàu”, tập trung vào thị trường Mỹ với kế hoạch xây ít nhất 2 nhà máy vào năm 2030 để tăng gấp 4 lần công suất so với hiện tại. Tuy nhiên, Tập đoàn này cũng đang đánh cược với chính mình về khả năng tạo ra một dòng pin giàu Niken với tỷ lệ tái chế cao, độ an toàn cũng như thời gian sạc có nhiều cải tiến.
Sau khi xây dựng được uy tín đối với Telsa, Panasonic đã tiến hành đàm phán cung ứng pin cho Mazda và Subaru. Một nguồn tin thân cận cho biết, các bên đang tìm kiếm thị trường phù hợp để tránh ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Giáo sư Koji Abe (Đại học Yamaguchi) cho rằng, xét về trình độ sản xuất cũng như các yếu tố chính trị liên quan, rất khó để khẳng định rằng, Panasonic là kẻ thua cuộc còn CALT là kẻ chiến thắng khi cạnh tranh bán pin giá rẻ và pin nhà giàu tại thị trường Bắc Mỹ.
Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Automobileity, CALT và BYD là hai thế lực thống trị về cung ứng pin xe điện lớn nhất thế giới và tại Trung Quốc. Để giữ vững vị thế của mình, CALT và BYD đang lên phương án cắt giảm giá vốn chỉ còn khoảng 60 triệu USD/giờ sản xuất. Con số này ở LG, SK đang là lần lượt là 88 triệu USD và 103 triệu USD là của Panasonic.
Trong số các công nghệ sản xuất pin hiện nay, pin ở dạng thể rắn là dòng pin được kỳ vọng mang lại nhiều đột phá về công suất và thời gian sạc đồng thời loại bỏ nguyên liệu bán dẫn dễ bay hơi và dễ cháy. Toyota tháng trước đã công bố một bước đột phá về sản xuất pin thể rắn mà họ khẳng định có thể làm giảm một nửa kích thước, chi phí và trọng lượng của pin xe điện. Glen Merfeld - Giám đốc công nghệ tại Albemarle - công ty cung cấp Lithium lớn nhất thế giới cho biết, hiệu suất đạt được trong pin thể rắn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới mà không ai có thể đoán định được. Dòng pin thế hệ mới có thể đáp ứng các nhu cầu về vận tải, hàng không.
Hiện, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tập trung nghiên cứu chất điện phân thể rắn nhưng vẫn đang bế tắc ở việc xử lý đoản mạch. “Giải quyết vấn đề này là bước tiến quan trọng nếu Mỹ muốn dẫn trước Trung Quốc”, ông Asim Hussain - Giám đốc Tiếp thị của QuantumScape do Volkswagen hậu thuẫn khẳng định. Còn Kevin Shang – Chuyên gia về pin tại Wood Mackenzie cho biết, pin thể rắn mang lại rất nhiều cảm hứng cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, Giáo sư Dirk Uwe Sauer – chuyên gia về dự trữ năng lượng tại Đại học RWTH Aachen của Đức cho rằng, Trung Quốc không lựa chọn hướng phát triển đó. Họ cho rằng, tập trung phát triển pin có khả năng lưu trữ cao không phải là con đường nên đi.
Pin Sodium – Ion (dòng pin giàu Natri) đang đóng một vai trò lớn trong việc thay thế Pin Lithium – Ion đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Pin Solium – Ion có nguyên liệu đầu vào thấp, chi phí rẻ hơn từ 15% - 20% so với Pin Lithium – Ion. Điều này khiến Pin Sodium – Ion trở thành dòng pin được kỳ vọng tạo nên một bước đột phá mới về công nghệ.
Tuy nhiên, Pin Sodium – Ion đang có một vấn đề lớn phải cải thiện. Đó là khả năng tích điện. Dù đã có đến 17 doanh nghiệp trong ngành xe điện lên phương án sử dụng dòng pin này cho các sản phẩm của họ nhưng bài toán tích điện vẫn đang bế tắc. Tuy nhiên, Pin Sodium – Ion hay bất kỳ dòng pin nào trên thị trường đều khó khiến CALT mất ngôi vương.
Pin thể rắn và Pin Sodium – Ion được dự đoán sẽ phân hoá thị trường pin xe điện: Pin Sodium được sử dụng cho các dòng xe điện tầm trung, không có nhu cầu cao về khả năng tích điện, trong khi pin thể rắn sẽ tập trung cho phân khúc xe hạng sang. Chuyên gia Shirley Meng của Đại học Chicago cho rằng, hai dòng pin này sẽ tạo nên bước phát triển tiếp theo cho dòng pin xe điện nhưng điều đó không có nghĩa là Pin Luthium sẽ bị xoá bỏ.
Những vấn đề về địa chính trị, chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất theo hướng phát triển xanh đã và đang tạo nên các dòng pin xe điện mới. Nhu cầu pin ngày càng tăng cao là nguyên nhân cần phải tạo ra nhiều dòng pin để thay thế. Chính vì vậy, để trả lời cho câu hỏi quốc gia nào có thể đánh bại thế độc tôn của Trung Quốc thì cần dựa trên các yếu tố về công nghệ, giá cả và hiệu suất sử dụng.
Đạo luật giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ John Biden có thể làm thay đổi thứ hạng của các doanh nghiệp sản xuất pin, dù chỉ là trên đất Mỹ. Biden đã hứa tài trợ hàng trăm tỷ USD để giảm sự phụ thuộc của kinh tế Mỹ vào Trung Quốc và thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã không còn được hưởng thuế suất ưu đãi, thậm chí còn bị áp thêm thuế tại thị trường này.
Yanmei Xie – Chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn Gavekal Research (Bắc Kinh) cho rằng, rào cản khiến các nước phương Tây khó lòng cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc trong cuộc đua sản xuất pin phần lớn đến từ vấn đề môi trường. “Không ai muốn có một nhà máy gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn năng lượng được đặt ngay trên mảnh đất của họ”, Yammei nhấn mạnh.
Châu Âu hoàn toàn có thể nối gót Mỹ loại bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng đối với “phần còn lại của thế giới” thì lại không thể. Vậy có lẽ, tại thời điểm này, câu hỏi thích hợp hơn được đặt ra là: Chính sách thương mại nào đủ sức ngăn chặn sự bành trướng của các doanh nghiệp pin Trung Quốc trên toàn thế giới.