Hải Phòng hội tụ nhiều yếu tố giúp thị trường bất động sản "bùng nổ"

Trong khi thị trường bất động sản cả nước đang trong tình trạng ảm đạm, thì Hải Phòng lại đóng vai trò làm điểm sáng thời gian qua…
nhung-tac-dong-khien-bat-dong-san-hai-phong-tang-nhiet-dau-nam-1654.jpg
Hải Phòng thu hút vốn FDI top đầu cả nước. Ảnh minh hoạ

Từ đầu quý 2/2023, thị trường bất động sản Hải Phòng đã có nhiều tín hiệu khởi sắc rõ nét, lượng giao dịch ghi nhận thành công ngày càng nhiều với mức giá tăng từ 5-10% so với quý 1. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đứng đầu về lượng dự án nhà ở xã hội khởi công.

NHIỀU “CÁ MẬP” BƠI VỀ HẢI PHÒNG

Đánh giá về thị trường bất động sản Hải Phòng, tại Hội thảo “Hiện thực hóa quy hoạch thành phố Hải Phòng, bứt phá thị trường bất động sản” do UBND thành phố Hải Phòng và báo Tiền phong tổ chức, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) khẳng định, thị trường bất động sản Hải Phòng đang bắt đầu sáng lên, được nhiều nhà đầu tư chú ý, tìm đến.

Nếu như 5 năm trở về trước, thị trường bất động sản tại Hải Phòng không hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi nguồn cung không có nhiều, hàng hóa nghèo nàn, tăng trưởng kinh tế không như mục tiêu đặt ra. Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Hải Phòng đã có sự thay đổi, nhiều nhà đầu tư về Hải Phòng tìm cơ hội.

“Không ít nhà đầu tư bất động sản dạng “cá mập” từ các tỉnh thành khác tìm về Hải Phòng đầu tư. Ngoài ra, trước đây các nhà đầu tư ở thành phố phải đi nơi khác tìm cơ hội, thì hiện nay họ cũng đầu tư các dự án bất động sản ở Hải Phòng”, ông Đính cho biết.

bất động sản
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thời gian qua, Hải Phòng cũng đã thay đổi nhanh, nhất là về hạ tầng. Với sự đầu tư đồng bộ các tuyến đường, cầu cảng, bến bãi, kết nối giao thông được hoàn thiện đã tạo ra không gian Hải Phòng gần hơn các vùng kinh tế khác. Thành phố cũng đã có nhiều giải pháp phát triển, tăng trưởng công nghiệp, du lịch hàng năm tăng cao. Hai hoạt động này tăng trưởng mạnh đã tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lao động nên nhà đầu tư bất động sản quan tâm hơn.

Các hoạt động đầu tư đô thị, dự án nhà ở được đẩy mạnh, nhất là các dự án nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy các hoạt động khác. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cung cấp, khai thác cảng biển, nâng cấp đô thị đã thu hút nguồn vốn FDI và các nhà đầu tư nước ngoài đến với Hải Phòng.

Theo ông Đính, từ đầu năm 2023 đến nay, các hoạt động, giao dịch của thị trường bất động sản cả nước rất chậm, dù Chính phủ đã nghiên cứu nhiều giải pháp tháo gỡ thúc đẩy. Tuy nhiên, thị trường bất động sản ở Hải Phòng trong 1 - 2 tháng gần đây rất lạ lùng khi có nhiều dòng vốn đổ về.

Thống kê của VARs cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ có gần 6.000 sản phẩm bất động sản giao dịch, nhưng riêng Hải Phòng có khoảng 500 sản phẩm giao dịch. Trong đó, sản phẩm cao cấp chiếm phần lớn.

487a67677e31ac6ff520-9365-8795.jpg
Ông Nguyễn Văn Đính phát biểu tại hội thảo

Để thị trường bất động sản Hải Phòng tiếp tục phát triển, ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị thành phố cần có kế hoạch thực thi đầu tư theo quy hoạch, theo từng giai đoạn. Thành phố cũng cần có chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thủ tục đầu tư cho dự án để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng cần có chính sách quản lý hoạt động và đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản.

“Đặc biệt, thành phố cần minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch cũng như chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng của thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng cần kiểm soát giá bất động sản, đất đai, tránh tạo cơn sốt, tạo bong bóng bất động sản để phát triển bền vững”, ông Đính kiến nghị.

TẠO SINH KẾ HẤP DẪN LÀ LỰC ĐẨY CHO THỊ TRƯỜNG

Tiếp lời Chủ tịch VARs, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, bất động sản Hải Phòng đã có sự bứt phá khá rõ ràng, nổi bật phải kể đến phân khúc bất động sản khu công nghiệp.

Hiện địa bàn khu kinh tế có diện tích hơn 22,5 nghìn ha với quy hoạch 27 khu công nghiệp. Thành phố đã thành lập 14 khu công nghiệp với diện tích hơn 6,1 ha. Tổng vốn đầu tư thu hút vào 14 khu công nghiệp có khoảng 38 tỷ USD, trong đó 24,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 13,5 tỷ USD vốn đầu tư trong nước.

mr-hai-8720-9840.jpg
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

Như vậy, với tổng số doanh nghiệp xấp xỉ 490 doanh nghiệp đầu tư FDI và 210 doanh nghiệp đầu tư trong nước; tạo sinh kế cho hơn 200 nghìn lao động với thu nhập trung bình 11 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Hải, mỗi một khu công nghiệp khi hình thành là động lực tăng trưởng khu vực đó, tạo ra cầu thu hút đám đông, phát triển dịch vụ, phát triển bất động sản đô thị, nhà ở... Đặc biệt, mạng lưới hệ thống khu công nghiệp và quy hoạch mới ban hành, chúng tôi hy vọng các khu công nghiệp ở địa bàn khu kinh tế sẽ tạo ra cầu, khả năng thực hiện cầu đó bằng thu nhập của người dân sẽ là cú hích lớn cho phát triển thị trường bất động sản.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, theo chủ trương của thành phố, các khu công nghiệp đang hoạt động ở Hải Phòng đang chuyển đổi sang mô hình sinh thái; thành lập các khu công nghiệp mới theo tiêu chuẩn sinh thái.

Đồng thời, không còn việc thành lập khu công nghiệp độc lập, rời rạc mà có sự liên kết giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; liên kết giữa khu công nghiệp và phát triển đô thị, hiện đại hóa nông thôn.

"Hướng khu công nghiệp sinh thái không phải lựa chọn nữa mà là tất yếu. Tỉnh nào thực hiện sớm khu công nghiệp sinh thái sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt vì thị trường các nước EU, Mỹ có tiêu chuẩn cao về sinh thái đối với sản phẩm. Chúng ta muốn thu hút nhà đầu tư mà không cung cấp khuôn khổ về sinh thái thì họ không vào", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, Hải Phòng có chính sách thu hút các nhà đầu tư, trong đó có việc dành quỹ đất để xây dựng ký túc xá công nhân, nhà ở xã hội trong các khu công nghiệp của địa bàn khu kinh tế; xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo một số ngành trọng điểm để thu hút nguồn nhân lực đến an cư lạc nghiệp.

"Tạo sinh kế đa dạng phong phú, có khả năng thu nhập cao, ổn định về xã hội thì sẽ tạo ra cầu cho thị trường bất động sản cất cánh", ông Hải đề xuất.

DÙ SÁNG NHƯNG CÒN THÁCH THỨC

Mặc dù, Hải Phòng chưa có thị trường bất động sản riêng, nhưng thời gian qua đang là điểm sáng rực rỡ. Trong khi đó, chính phủ có chính sách khôi phục thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, thu hút nhiều lao động, nhân lực.

33cda3a549f49baac2e5-5537-5987.jpg
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu

Dù vậy, theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong vẫn có những khó khăn, thách thức đặt ra với Hải Phòng. Thứ nhất, là khung pháp lý và vấn đề đất đai, mặt bằng. Thành phố sẽ biến đổi để hình thành 3 trung tâm phát triển cùng với các đô thị vệ tinh. Như thế sẽ có một chuyển dịch khổng lồ về cơ cấu hành chính, dân cư. Vì thế, trong 15 năm tới Hải Phòng sẽ là một đại công trường.

Vì thế, đất đai, mặt bằng, giải phóng mặt bằng…là vấn đề lớn đặt ra với thành phố. Ngoài ra, nguồn lực về vốn, nhân lực cũng là vấn đề lớn đặt ra với Hải Phòng.

Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, Hải Phòng cần triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Hiện chúng ta đã có quy hoạch tổng thể lớn thì phải có quy hoạch chi tiết thực hiện, có phân kỳ thực hiện, quy hoạch phân khu…và các bước triển khai.

Thứ hai, cần tạo hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư. Vì thế, vấn đề là làm sao cung cấp đất đai, mặt bằng cho nhà đầu tư nhanh chóng, minh bạch, an toàn cho nhà đầu tư. Không chỉ là nhiệm vụ của Hải Phòng mà còn là của các Bộ ngành khác để giải quyết vấn đề pháp lý.

khu-cong-nghiep-dinh-vu-4-3225.jpg
Bất động sản Hải Phòng có nhiều sự đột phá. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, thành phố cũng cần có giải pháp thu hút nhân lực, gồm vốn nội tại, vốn xã hội hóa. Đồng thời, có chính sách thu hút nhân lực thì từ các địa phương khác, đào tạo nâng cao nhân lực của thành phố.

Một giải pháp nữa là về xây dựng dịch vụ xã hội công. Các trung tâm công quyền, bệnh viện trường học và các dịch vụ thiết yếu cho người dân cần nguồn lực lớn. Ngoài nguồn vốn nhà nước, cần thêm cả xã hội hóa đầu tư, nâng cao chất lượng.

Đối với thị trường bất động sản ở Hải Phòng có tiềm năng lớn, có đủ loại hình như bất động sản nhà ở, dịch vụ công, nhà ở xã hội, bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng … tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

“Thời gian qua, Hải Phòng phát triển năng động, hiện ở top đầu của đất nước. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà đầu tư hy vọng thành phố sẽ có những bước phát triển đột phá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, ông Lê Xuân Sơn nhấn mạnh.

Tin liên quan