Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe ô tô điện nhằm tiến tới giảm phát thải ra môi trường.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), về cơ bản, có 3 nhóm chính sách chủ yếu mà các quốc gia đang áp dụng để phát triển xe ô tô điện, đó là: Ưu đãi cho nhà sản xuất; hỗ trợ người mua xe ô tô điện và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe ô tô điện. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cũng đề xuất khung chính sách hỗ trợ phát triển xe điện xoay quanh 3 đối tượng nói trên.
Cụ thể, đối với nhóm chính sách ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe điện, Bộ GTVT đề nghị rà soát, bổ sung các nội dung về chính sách ưu tiên phát triển xe ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng điện) trong các Luật liên quan làm cơ sở triển khai, thực hiện; xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phát triển phương tiện không phát thải.
Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; uu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư (trong và ngoài nước) sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện (miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí ...).
Đối với nhóm chính sách khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng, Bộ GTVT kiến nghị thực hiện miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện; miễn, giảm lệ phí đăng ký biển số đối với xe ô tô điện. Thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện; ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện; trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện…
Đặc biệt, Bộ GTVT cũng kiến nghị tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị; ưu tiên đỗ xe (chỗ, giá), giờ cao điểm; thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị trong đó chỉ các phương tiện không phát thải được hoạt động.
Đối với nhóm chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện, điểm nhấn nổi bật là việc Bộ GTVT kiến nghị các cơ quan quản lý sớm quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư; quy định về bố trí trạm sạc điện công cộng đối với các cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo (bến xe, trạm dừng nghỉ, khu đô thị, điểm đỗ, trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, chung cư, khu đô thị, nhà hàng, điểm trông giữ xe công cộng, trụ sở cơ quan hành chính ...); cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc.
Thực hiện ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất/nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh; miễn thuế nhập khẩu máy móc linh kiện để lắp đặt trạm sạc điện; miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện; ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc điện công cộng…
Bộ GTVT cho biết, trong quá trình tham vấn, lấy ý kiến, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/02/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước; miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.
Một giải pháp đáng chú ý khác là việc các doanh nghiệp kiến nghị thực hiện trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe.
Trong văn bản báo cáo Chính phủ, phía Bộ Giao thông Vận tải cho hay hiện tại trong nước có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ôtô điện gồm VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Công ty Cổ phần ôtô TMT. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công và Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải cũng đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, đến tháng 7/2023, cả nước có gần 12.600 xe ôtô điện.