Lý do khiến Apple rớt khỏi top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu tại Trung Quốc

Apple lần đầu vắng mặt trong top 5 nhà sản xuất điện thoại tại Trung Quốc, trong bối cảnh các thương hiệu nội địa đang thống trị thị trường này…
 

Lần đầu tiên trong lịch sử, Apple không có mặt trong danh sách 5 nhà sản xuất điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc. Đáng chú ý, toàn bộ 5 vị trí dẫn đầu đều thuộc về các thương hiệu nội địa. Đây là một dấu hiệu rõ ràng của sự thay đổi trong thị trường di động Trung Quốc, nơi các thương hiệu địa phương đang ngày càng khẳng định được sức mạnh và vị thế của mình.

CÁC THƯƠNG HIỆU NỘI ĐỊA TRỖI DẬY

Theo nghiên cứu mới nhất mà Canalys mới công bố, các thương hiệu smartphone nội địa Trung Quốc lần đầu tiên thống trị top 5, trong bối cảnh thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đại lục trong quý 2/2024 đã tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước, với lượng hàng sản xuất xưởng vượt 70 triệu chiếc.

screenshot-1721968682-1791.png
Số lượng xuất xưởng và thị phần quý 2/2024 của top 5 hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc

Vivo đã giành lại vị trí số một trên thị trường khi xuất xưởng 13,1 triệu chiếc điện thoại, chiếm 19% thị phần. Sự tăng trưởng ấn tượng này tăng 15% so với năm trước, chủ yếu được thúc đẩy bởi hiệu suất mạnh mẽ tại các kênh bán lẻ ngoại tuyến cũng như doanh số bán hàng trực tuyến vượt trội trong lễ hội thương mại điện tử "618".

Thương hiệu OPPO nắm giữ vị trí thứ hai, với việc xuất xưởng 11,3 triệu chiếc điện thoại, nhờ vào sự thành công của dòng sản phẩm Reno 12 mới. Hãng HONOR đứng ở vị trí thứ ba với 10,7 triệu chiếc được xuất xưởng, ghi nhận mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Huawei đứng ngay sau, chiếm vị trí thứ tư với lượng hàng xuất xưởng đạt 10,6 triệu chiếc, mặc dù tốc độ tăng trưởng của hãng đã có phần chậm lại.

Xiaomi ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước và quay trở lại top năm với 10 triệu chiếc xuất xưởng. Sự chú ý lớn từ chiến dịch tiếp thị xung quanh chiếc xe điện đầu tiên của Xiaomi, SU7, đã đóng góp đáng kể vào doanh số vững chắc của dòng K70 và dòng sản phẩm chủ lực 14.

Trong khi đó, Apple đã tụt xuống vị trí thứ sáu với thị phần đạt 14%, giảm 2% so với quý trước.

Amber Liu, Giám đốc nghiên cứu của Canalys, cho biết, thị trường Trung Quốc đang bắt nhịp với sự phục hồi toàn cầu, nhờ vào sự thúc đẩy từ các sự kiện bán hàng như '618' và các chương trình khuyến mại lớn. Các nhà cung cấp, đặc biệt là Huawei và Xiaomi, đang tận dụng lợi thế kênh ngoại tuyến và mở rộng hệ sinh thái sản phẩm để gia tăng doanh số.

screenshot-1721968537-1016.png
Thị phần qua từng quý của một số thương hiệu smartphone tại thị trường Trung Quốc

Có thể thấy, các chiến lược của nhiều thương hiệu smartphone Trung Quốc đối với các sản phẩm của họ cùng sự hợp tác với chuỗi cung ứng địa phương đã bắt đầu mang lại hiệu quả, đặc biệt là đối với các tính năng phần cứng và phần mềm.

Điển hình như Magic V3 mới nhất của HONOR, tận dụng GenAI, đã nâng cao đáng kể trải nghiệm của người dùng trên các thiết bị có thể gập. Trái ngược, Apple đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn ở Trung Quốc đại lục.

Các hãng điện thoại thông minh nội địa như Huawei, HONOR, OPPO và vivo đang dẫn đầu bằng cách kết hợp các công nghệ như GenAI vào sản phẩm và dịch vụ. Song, việc “bản địa hóa” các dịch vụ Intelligence của Apple tại Trung Quốc đang tạo cho nhà táo một áp lực nặng nề.

Bàn về các xu hướng chính sẽ tác động đến bối cảnh thị trường smartphone Trung Quốc trong nửa cuối năm 2024, Toby Zhu, chuyên gia phân tích cấp cao của Canalys cho hay, thị trường sẽ dõi theo sự ra mắt hệ điều hành HarmonyOS Next sắp tới của Huawei khi mục tiêu của nó là trở thành hệ điều hành di động lớn thứ ba bên cạnh Android và iOS.

Ngoài ra, các công ty trong nước đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI, phát triển mô hình nội bộ và tạo ra các ứng dụng AI như những lợi thế cạnh tranh chính để phá vỡ phân khúc cao cấp.

Cuối cùng, sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường nội địa cũng sẽ thúc đẩy sự mở rộng ra quốc tế và các hãng smartphone Trung Quốc dự kiến sẽ đạt được những cột mốc mới trên thị trường toàn cầu trong phần còn lại của năm 2024.

APPLE NGÀY CÀNG KHÓ XOAY SỞ TẠI TRUNG QUỐC

Trung Quốc đã từng được coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của Apple. Thế nhưng, vào năm ngoái, tâm lý thận trọng của người tiêu dùng kết hợp với sự cạnh tranh gay gắt của những thương hiệu trẻ, đã đặt thách thức cho gã khổng lồ có trụ sở tại Cupertino, California.

img-1664165518-281505261111-7331.jpg

Tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, sự trỗi dậy của Huawei, Xiaomi cùng các “đồng hương” khác đã tạo ra một “thế gọng kìm”, mỗi bước tiến của Apple đều bị đáp trả mạnh mẽ bởi các đối thủ cạnh tranh.

Trong năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với thách thức từ sự sụp đổ của ngành bất động sản cho đến nhu cầu tiêu dùng yếu. Những khó khăn này đã kéo dài đến năm 2024 và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng, Apple cũng không ngoại lệ.

Josh Koren, người sáng lập Musketeer Capital Partners đã chia sẻ tại chương trình “Street Signs Europe” rằng, người tiêu dùng Trung Quốc bị ảnh hưởng về mặt kinh tế, nhiều người mệt mỏi với việc tiêu dùng cá nhân và nghĩ rằng họ không cần phải trả tiền cho chiếc điện thoại đắt tiền khi có thể mua được một phiên bản rẻ hơn.

Trong một khoảng thời gian dài, Apple được coi là một thương hiệu xa xỉ ở Trung Quốc, có sức hấp dẫn lớn đối với khán giả trẻ tuổi. Điều này có thể đang dần thay đổi.

Dữ liệu của Canalys cho thấy, doanh số điện thoại thông minh của Apple tại Trung Quốc đã giảm 6,7% trong quý 2/2024. Hậu quả của sự suy giảm này làm thứ hạng của Apple trên thị trường lớn thứ ba của mình tụt từ vị trí thứ ba xuống vị trí thứ sáu.

screenshot-1721981546-5870.png
CEO Apple Tim Cook

Mặc dù CEO Tim Cook đã liên tục đích thân đặt chân đến thị trường này, lần gần đây nhất là vào tháng 3. Vị giám đốc điều hành này đã củng cố mối quan hệ với các nhà phát triển tại đây và triển khai những chiến lược mới nhưng Apple vẫn gặp khó khăn.

Cuối cùng, giải pháp mà nhà táo lựa chọn là hạ giá sản phẩm tại Trung Quốc để thu hút lại sự quan tâm của khách hàng.

Trong vài năm trở lại đây, Apple đã bắt đầu “gieo hạt giống” ở những nơi khác tại Châu Á. Doanh số bán hàng của nhà táo tại Ấn Độ đang bùng nổ chỉ một năm sau khi Apple mở cửa hàng vật lý đầu tiên tại quốc gia này.

Ông lớn công nghệ này cũng đã tìm cách củng cố mối quan hệ với Ấn Độ và Việt Nam về mặt cung ứng khi công ty tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Giống như nhiều công ty công nghệ nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, bóng ma địa chính trị luôn rình rập. Công ty tài chính, dữ liệu Bloomberg đã trích dẫn rằng, Trung Quốc từng gia hạn lệnh cấm, yêu cầu nhân viên tại các cơ quan chính phủ và các công ty do nhà nước hậu thuẫn ngừng mang iPhone và các thiết bị nước ngoài đến nơi làm việc.