Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ làm thay đổi các công ty công nghệ lớn, mà còn định hình lại cách các doanh nghiệp trên toàn cầu cạnh tranh và tồn tại trong kỷ nguyên số.
Nvidia, từ một công ty chuyên về đồ họa, đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của AI và đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển GPU phục vụ cho các ứng dụng AI. Hiện Nvidia chiếm hơn 70% thị phần chip AI toàn cầu, với giá trị vốn hóa thị trường đạt 1.000 tỷ USD.
AMD, dưới sự lãnh đạo của CEO Lisa Su, cũng đã chuyển hướng tập trung vào AI. Công ty đã giới thiệu các sản phẩm như MI300X với bộ nhớ 192GB, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Nvidia. Dự kiến, doanh thu từ chip AI của AMD sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD trong năm nay.
Trong khi đó, Intel lại chậm chân trong việc nắm bắt xu hướng AI, khiến họ đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Mặc dù đã ra mắt các sản phẩm như chip Gaudi 3, doanh thu dự kiến chỉ đạt 500 triệu USD trong năm nay, thấp hơn nhiều so với Nvidia và AMD. Cổ phiếu của Intel đã giảm khoảng 70 tỷ USD trong năm qua, hiện chỉ còn 83 tỷ USD.
Bắt kịp với các làn sóng công nghệ để chuyển đổi số không còn là một xu hướng nhất thời mà đã trở thành động lực, lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên mới. Không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các gã khổng lồ của thế giới mà ảnh hưởng đến cả sự sống còn của các doanh nghiệp nhỏ bé ngay tại thị trường Việt Nam.
Về tay Hesman Group từ năm 2016, Shopdunk, hệ thống cửa hàng phân phối sản phẩm chính hãng của Apple tại Việt Nam, đã chọn tập trung vào thương mại điện tử như một hướng đi chiến lược.
Với hơn 2.000 sản phẩm trong danh mục và khoảng 3.000 lượt tư vấn mỗi ngày, AI đang được ứng dụng để hỗ trợ đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác, từ việc nhập hàng, xử lý các bài toán chiết khấu phức tạp, đến tính toán giá vốn để quyết định có nên đẩy một dòng sản phẩm hay không…
Chia sẻ trong tọa đàm “AI & E-commerce: Xu hướng tất yếu cho SMEs”, ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch Hesman Group cho biết, AI thậm chí còn giúp trả lời các câu hỏi chiến lược chỉ trong vòng 30 phút, thậm chí ngắn hơn, thay vì mất nhiều ngày họp hành.
Nhờ vậy, doanh thu từ thương mại điện tử của Shopdunk đã đạt 1.200 tỷ đồng, ngay cả trong bối cảnh mảng bán lẻ truyền thống sụt giảm. Sự tập trung này đặc biệt quan trọng khi thương mại điện tử tại Việt Nam đang là lĩnh vực duy nhất trong ngành bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.
Theo báo cáo của Metric, trong nửa đầu năm 2024, tổng doanh thu trên năm sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) đạt khoảng đạt 143,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của ông Đào Trung Thành, Viện trưởng Viện Công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo, công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình vận hành mà còn tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu suất kinh doanh, tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa người tiêu dùng ngày càng mong đợi.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải là một con đường dễ dàng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Qua quá trình phát triển giải pháp quản trị phần mềm tổng thể và toàn diện SandboxVN, ông Đỗ Xuân Thắng, nhà sáng lập SandboxVN nhận thấy, các doanh nghiệp nhỏ thường gặp phải nhiều khó khăn, từ việc phải sử dụng nhiều phần mềm riêng biệt cho từng nhiệm vụ, đến việc dữ liệu bị phân tán và không đồng bộ.
Trong khi các giải pháp nước ngoài như Salesforce hay Oracle mang lại hiệu quả cao, chúng lại không phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam do chi phí quá cao và nhiều tính năng không cần thiết.
Điều này khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm những giải pháp tích hợp tổng thể và dễ tiếp cận hơn.
Có chung quan điểm, ông Thành bổ sung, nhận thức là một trong những thách thức lớn nhất. Nhiều doanh nghiệp vẫn ngại thay đổi, thiếu tầm nhìn chiến lược và không sẵn sàng đầu tư.
Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính, thiếu nhân lực có kỹ năng số, và văn hóa tổ chức chưa sẵn sàng cũng là những rào cản lớn. Ông Thành nhấn mạnh, các doanh nghiệp thường đối mặt với sự kháng cự từ nhân viên khi thay đổi quy trình làm việc, trong khi ban lãnh đạo lại thiếu cam kết mạnh mẽ để triển khai.
Để chuyển đổi số thành công, vị này cho rằng, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ những bước nhỏ. Việc thử nghiệm các giải pháp đơn giản, học hỏi và điều chỉnh liên tục sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực.
Ngoài ra, ban lãnh đạo, đặc biệt là CEO, cần trực tiếp tham gia vào từng giai đoạn thay vì ủy thác hoàn toàn việc chuyển đổi số cho đội ngũ kỹ thuật bởi đây là một hành trình vất vả và dài hơi.
Quỳnh Chi