Độ xe: Đã, sướng… nhưng phải "chừa đường" để không trượt đăng kiểm

Độ xe ô tô đã trở thành sở thích phổ biến, thế nhưng việc này cũng đồng nghĩa với các thách thức liên quan đến pháp lý và đăng kiểm xe…
 

Hoạt động đăng kiểm hiện đang gắt gao hơn bao giờ hết, đồng thời số lượng xe tham gia kiểm định cũng tăng lên đáng kể. Điều này đặt ra một loạt vấn đề cho các chủ xe ô tô, yêu cầu họ phải chú ý và chuẩn bị kỹ càng để tránh những rắc rối không đáng có.

Độ xe và làm đẹp cho ô tô không còn là điều xa lạ đối với đa số người lái xe. Từ việc thay đổi ngoại thất đến nâng cấp hiệu suất động cơ, độ xe đã trở thành một phần không thể thiếu của sở thích và sự đam mê của nhiều tài xế.

Mặc dù việc này mang lại sự thú vị và cá tính riêng, nhưng nó cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc tuân thủ pháp luật và đảm bảo xe không bị từ chối đăng kiểm.

NHIỀU CHỦ XE THÍCH “ĐỘ”

Độ xe ô tô là một hoạt động mang tính sáng tạo và cá nhân hóa cao, cho phép chủ xe thay đổi diện mạo, cải thiện hiệu suất và thậm chí làm nổi bật chiếc xe của mình. Tuy nhiên, không phải mọi thay đổi đều hợp lệ và có ích.

Một trong những rủi ro lớn nhất khi độ xe là việc không tìm hiểu kỹ và làm quá mức. Những thay đổi không phù hợp có thể làm cho xe không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đặc biệt, khi đến hạn đăng kiểm, nếu xe không đáp ứng được các yêu cầu kiểm định do những thay đổi không hợp lệ, chủ xe sẽ bị từ chối đăng kiểm và buộc phải đưa xe về trạng thái nguyên bản.

Thông tư 43/2023/TT-BGTVT có hiệu lực đánh dấu bước tiến trong việc quản lý và điều chỉnh hoạt động độ xe ô tô tại Việt Nam. Điều này khiến cho nhiều chủ xe ô tô cảm thấy phấn khởi và đồng tình với những quy định mới, đặc biệt là những người đam mê nâng cấp cho chiếc xe của mình.

Đa số người dân cho rằng, việc làm đẹp và tăng tiện nghi cho xe mà không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là điều nên được khuyến khích.

6-8468.png

Chủ của một chiếc Mitsubishi Xpander cho hay, việc lắp thêm các tấm ốp và miếng nhựa trang trí trên giá nóc hay cánh lướt gió chỉ mang tính thẩm mỹ và không làm thay đổi kích thước hay trọng lượng của xe nên đã quyết định làm dịch vụ này mà không lo vấn đề đăng kiểm.

Bên cạnh đó, chủ xe Ford Everest cho biết rằng việc lắp bậc bước chân đối với xe gầm cao là một giải pháp hợp lý giúp dễ dàng bước lên xe một cách tiện lợi và an toàn hơn, đồng thời cũng giúp bảo vệ nội thất của xe khỏi bụi bẩn và hao mòn do việc leo lên bằng cách dùng chân trực tiếp.

Hơn thế, nhiều tài xế xe tải cũng lắp đặt thêm hệ thống đèn sương mù nhằm cải thiện khả năng quan sát và giảm thiểu nguy cơ tai nạn trong điều kiện thời tiết xấu.

Nhiều cơ sở độ xe ô tô đưa là lưu ý rằng, trước khi quyết định độ xe, các chủ xe cần phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng. Nên chọn các phụ tùng chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và lắp đặt bởi các cơ sở uy tín để đảm bảo tính an toàn và tuân thủ đúng quy định.

Việc này sẽ giúp tránh được những phiền toái không đáng có và bảo vệ được sự bền vững của chiếc xe qua thời gian.

“ĐỘ” NHƯNG KHÔNG LÀM THAY ĐỔI KẾT CẤU XE

Thông tư 43/2023 của Bộ Giao thông và Vận tải đã mang đến lợi ích đáng kể cho người dân và doanh nghiệp bởi sự đơn giản hóa thủ tục trong quá trình đăng kiểm xe.

Theo thông tư, những trường hợp được phép thay đổi mà vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định bao gồm thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách nhưng không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa; thay đổi một số kết cấu của thùng chở hàng như bịt kín, thay đổi cấu trúc cánh cửa của thùng hàng.

Thêm vào đó là việc thay thế tấm tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tấm tôn vào phần khung mui của xe mui phủ mà không làm tăng chiều cao của thùng hàng.

Hơn nữa, việc lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ cũng sẽ vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định.

Có thể thấy, hoạt động cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được nới lỏng, có khung pháp lý rõ ràng hơn, thuận tiện cho nhu cầu độ xe và làm đẹp cho xe.

Việc độ mâm và lốp xe không còn xa lạ với dân đam mê xe hơi. Khi nhắc đến việc độ xe, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc nâng cấp lốp và mâm xe của các chủ xe hãng Ford và xe bán tải.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc độ mâm và lốp xe vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn đăng kiểm, người dùng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kích thước và loại lốp, cũng như thông số mâm xe theo nhà sản xuất.

Trường hợp thông số không phù hợp, điển hình như việc thay đổi kích cỡ của lốp từ cỡ R16 lên cỡ R18 sẽ dẫn đến trường hợp bị từ chối đăng kiểm. Một người đã từng độ mẫu xe Ford Ranger chia sẻ, trong lần đăng kiểm gần nhất, phải thuê lốp “zin” lắp vào xe để qua được kiểm định.

Điều này thể hiện sự “đương đầu” của dân đam mê độ xe nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn và pháp lý. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm có thể từ chối bồi thường khi gặp tai nạn nếu chiếc xe thay đổi kích cỡ lốp và la-zăng.

3-247.jpg

Ngoài những thay đổi dễ trượt đăng kiểm như độ lốp xe nâng gầm thì vẫn còn nhiều cách độ xe khác nhau mà không bị trượt đăng kiểm. Nhiều chủ xe đã tiến hành bọc ghế xe, độ trần xe và lắp đặt hệ thống chống ồn cho “xế yêu” của mình.

Trao đổi với Thương gia, cơ sở độ xe AEGAuto Hà Nội cho hay, việc thay đổi nội thất bên trong hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động đăng kiểm, chỉ khi kết cấu bên trong xe bị thay đổi mới vi phạm các quy định trong quá trình kiểm định xe.

Nhiều chủ xe còn có sở thích đổi màu ngoại thất xe để tạo điểm nhấn và thể hiện phong cách riêng cũng như biến đổi màu sắc ô tô để phù hợp phong thủy. AEGAuto độ xe Hà Nội chia sẻ, màu xe sẽ ảnh hưởng tới quá trình đăng kiểm, tuy nhiên nếu đổi màu xe không quá 50% màu sơn đã đăng ký thì vẫn có thể “đỗ” đăng kiểm.