Ông Hoàng Gia Khánh giữ chức Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa ký quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Gia Khánh giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…

Theo đó, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất quyết định bổ nhiệm có thời hạn, nhiệm kỳ 5 năm, ông Hoàng Gia Khánh, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kể từ 13/10/2023.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký văn bản đồng ý với đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc bổ nhiệm ông Hoàng Gia Khánh giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Lương của ông Hoàng Gia Khánh được xếp vào bảng lương người quản lý doanh nghiệp, ngạch lương Tổng giám đốc Tổng công ty hạng đặc biệt, bậc 1/2, hệ số lương 7,85 kể từ ngày nhận nhiệm vụ.

Ông Hoàng Gia Khánh, sinh năm 1975 tại Thanh Hóa, là Thạc sĩ Tổ chức và quản lý vận tải. Trước khi được bổ nhiệm là Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Hoàng Gia Khánh đã có nhiều năm công tác tại Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, trải qua các vị trí công tác: Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Tháng 5/2023, sau khi Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó tổng giám đốc Hoàng Gia Khánh được giao phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thực hiện hợp nhất Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn thành một Công ty cổ phần vận tải đường sắt; giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.

Đối với phương án sáp nhập hai Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất sẽ lớn hơn 80%. Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, kết thúc năm 2025, sau khi công ty vận tải đường sắt hợp nhất đi vào hoạt động, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm tỷ lệ vốn chi phối tại công ty này, nhằm tách bạch hoạt động điều hành giao thông và vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia thị trường vận tải đường sắt.

Tin liên quan