Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, góp phần đưa các dự án hạ tầng trọng điểm về đích đúng hẹn. Qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công khi mà hiện thành phố có khoảng 63.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được giải ngân.

Sát sao trong từng dự án

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh liên tục đi kiểm tra thực tế, đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Tại các buổi kiểm tra, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Ngày 28/10, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (Quận 1, Quận 4 và Quận 7). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.725 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Quận 4 với 148 trường hợp bị ảnh hưởng. Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị Quận 4 cần làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng để có mặt bằng thi công đúng thời gian quy định và hoàn thành dự án đúng hạn hoặc sớm hơn, nhằm góp phần cải thiện tình hình giao thông và bộ mặt cảnh quan đô thị. Mặt khác, các đơn vị phấn đấu hoàn thành thủ tục có liên quan trình UBND thành phố ký trước ngày 15/11 để đến ngày 15/12 bắt đầu giải ngân vốn, nhằm bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tại dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình - một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh) hiện có 85 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến ngày 30/9, UBND quận Tân Bình mới chỉ giải ngân được 21/394 tỷ đồng vốn đầu tư dự án (khoảng 5,3%). Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành cho biết, công tác bồi thường, GPMB dự án còn một số vướng mắc liên quan đến việc tách thửa, khung chính sách bồi thường tái định cư cho người dân.

Từ thực tế này, UBND quận Tân Bình kiến nghị UBND thành phố ban hành quy định diện tích ít nhất được tách thửa để có cơ sở áp dụng ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng như chính sách về bồi thường, GPMB. Sau khi các quyết định này được ban hành, quận Tân Bình sẽ họp dân, thông báo chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với từng trường hợp. Chủ tịch UBND quận Tân Bình cam kết sẽ giải ngân toàn bộ số tiền còn lại (khoảng 373 tỷ đồng) và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 11/2024.

Tại buổi kiểm tra thực tế vào ngày 23/10, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã yêu cầu UBND quận Tân Bình khẩn trương hoàn tất các thủ tục bồi thường, hỗ trợ GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư chậm nhất ngày 30/11.

Trước đó, ngày 22/10, ông Võ Văn Hoan cũng kiểm tra thực tế, đốc thúc việc thực hiện công tác bồi thường, GPMB tại dự án hạ tầng trọng điểm khác của Thành phố Hồ Chí Minh là dự án nâng cấp quốc lộ 50 (địa bàn huyện Bình Chánh). Hiện dự án còn một số trường hợp chưa đồng thuận phương án bồi thường, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu huyện Bình Chánh gặp gỡ, giải thích với những trường hợp này để người dân nắm rõ quy định, phương án bồi thường. Đồng thời, khẩn trương giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ sở hạ tầng trong khu vực thực hiện dự án, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của dự án.

Dứt điểm với công tác giải phóng mặt bằng

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, qua địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp) được giao hơn 9.512 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó, hơn 9.300 tỷ đồng vốn chi trả cho bồi thường và hơn 212 tỷ đồng chi trả cho xây lắp, tư vấn và các chi phí khác. Việc giải ngân vốn GPMB dự án này được xác định đóng góp lớn cho kết quả giải ngân chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía địa phương, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Gò Vấp Nguyễn Văn Hùng thông tin, dự án đi qua quận dài khoảng 1,3 km, có 138 trường hợp ảnh hưởng bởi dự án. Có khoảng 40 trường hợp giải tỏa toàn bộ và 14 trường hợp diện tích còn lại nhỏ. Tổng kinh phí bồi thường ban đầu hơn 354 tỷ đồng. Theo Luật Đất đai năm 2024 có thay đổi về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổng dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ dự kiến tăng thành 670 tỷ đồng.

Theo đó, tính đến ngày 9/10, quận Gò Vấp đã chi trả bồi thường cho 39 trường hợp với số tiền gần 109 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 12/2024, quận sẽ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đến toàn bộ trường hợp ảnh hưởng và vận động người dân bàn giao mặt bằng. Để bảo đảm tiến độ, quận Gò Vấp sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trước ngày 30/1l, đồng thời, thường xuyên tiếp xúc vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công công trình.

Còn tại quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp ảnh hưởng bởi dự án này, gồm 2.017 hộ gia đình, cá nhân và 60 cơ quan tổ chức. Qua khảo sát 1.435 hộ gia đình, cá nhân, UBND quận Bình Thạnh ghi nhận 71% mong muốn được tái định cư, mua nhà tại quận Bình Thạnh; 15,5% muốn tái định cư ở quận khác. Ngoài ra, 27% mong muốn được hỗ trợ tìm kiếm việc làm, chuyển đổi công việc do bị ảnh hưởng thu nhập, biến động việc làm; 20,7% quan tâm vấn đề liên quan đến giáo dục, đào tạo nghề, chuyển trường, chọn trường phù hợp cho con cái,... UBND quận Bình Thạnh đang lập phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở dự án này, dự kiến tháng 12 sẽ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Liên quan dự án này, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi 2 địa phương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ban sẽ phối hợp giải ngân toàn bộ vốn bồi thường, GPMB 9.300 tỷ đồng trong tháng 12/2024. Đồng thời, sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp gói XL-03 thì Ban thực hiện các thủ tục tạm ứng hợp đồng, giải ngân vốn số vốn hơn 212 tỷ đồng.

Còn tại TP Thủ Đức, năm 2024, địa phương được giao số vốn đầu tư công là 8.800 tỷ đồng, đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ giải ngân 90%. Trong đó, riêng dự án đường vành đai 2, TP Thủ Đức dự kiến thu hồi khoảng 61,15 ha, ảnh hưởng đến 1.166 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 7.600 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành bảng giá đất mới, trên cơ sở đó, TP Thủ Đức sẽ phê duyệt phương án bồi thường, gồm đơn giá bồi thường và nền tái định cư dự án đường vành đai 2, dự kiến sẽ giải ngân trước ngày 15/12. Còn hơn 1,5 tháng để thực hiện, nếu hoàn thành công tác bồi thường, giải ngân dự án đường vành đai 2 thì công tác giải ngân vốn đầu tư công của TP Thủ Đức cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, TP Thủ Đức có thêm 600 tỷ đồng giải ngân cho các dự án khác. Sau khi có bảng giá đất mới, địa phương sẽ phê duyệt giá bán nền tái định cư cho người dân.

Trong khi đó, UBND huyện Củ Chi thông tin, đến nay, huyện đã giải ngân vốn bồi thường của các dự án do các ban của thành phố làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện đạt gần 42%. Đối với các dự án do huyện làm chủ đầu tư, huyện đạt hơn 59% so với cam kết. Đặc biệt, huyện đã giải ngân 100% vốn bồi thường đối với 6 dự án huyện làm chủ đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, để đạt được kết quả trên, huyện xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024 của các cấp ủy đảng, chính quyền. Qua đó, huyện thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công và công tác bồi thường, GPMB; duy trì giao ban định kỳ để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết vướng mắc. Đặc biệt, huyện rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục liên quan để đầu tư dự án; xem công tác bồi thường, GPMB là nhiệm vụ của chủ đầu tư; chủ động phối hợp với các phòng, ban huyện và các đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục liên quan.