Khủng hoảng giá trứng gà tại nhiều quốc gia trên thế giới

Sau khi lắng xuống trong hầu hết giai đoạn năm 2023, sự bùng phát trở lại gần đây của cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi trên khắp nước Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã khiến giá trứng tăng vọt...

Dịch bệnh cúm gia cầm đang đẩy giá trứng lên cao trở lại. Loại virus cực kỳ dễ lây lan và gây tử vong ở các loài gia cầm đã được phát hiện ở nhiều cơ sở chăn nuôi tại Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia khác trên thế giới.

David Anderson, giáo sư và nhà kinh tế thực phẩm tại Khoa Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học Texas A&M cho biết: “Lý do khiến giá trứng tăng vọt là do HPAI (cúm gia cầm có độc lực cao) tấn công các trang trại trứng, làm chết gà và suy giảm sản lượng trứng”.

Tại Mỹ, hơn 14 triệu con gà đẻ trứng đã chết trong tháng 11 và tháng 12/2023 do cúm gia cầm. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 30 ngày qua, hơn 8 triệu gia cầm nuôi thương mại tại Mỹ vẫn bị nhiễm bệnh.

Hai tuần trước, Cal-Maine Foods – nhà sản xuất trứng gà lớn nhất nước Mỹ – đã tạm thời ngừng sản xuất và tiêu hủy hơn một triệu đàn gà tại một trong các cơ sở của mình sau khi dịch bệnh bùng phát.

Nan-Dirk Mulder, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng kinh doanh nông nghiệp Rabobank chia sẻ với CNBC rằng không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia và khu vực khác trên toàn thế giới như Mỹ, EU, Nga, Nam Phi, Ấn Độ hay Nigeria đều chứng kiến giá trứng tăng cao kỷ lục.

Một chục quả trứng loại A lớn hiện có giá 2,41 USD (khoảng 62 nghìn đồng) ở Mỹ, tăng hơn 10% kể từ đầu năm đến nay.

ap23010692598541-9048.jpg
Nhiều siêu thị ở Mỹ đã phải đăng biển thông báo về việc tăng giá trứng gà

Tại Nhật Bản, các trường hợp cúm gia cầm cũng đã được báo cáo tại các trang trại gia cầm ở nhiều tỉnh, lây nhiễm cho hàng trăm nghìn con gà mái.

Nhật Bản là nước tiêu thụ trứng theo bình quân đầu người lớn thứ hai trên thế giới và trứng là nguyên liệu quan trọng trong ẩm thực của người Nhật. Đất nước này đã ghi nhận giá trứng gà cỡ trung bình tăng từ 179 yên/kg (~30 nghìn đồng) vào đầu năm lên khoảng 218 yên/kg (~ 36 nghìn đồng) tính đến ngày 17/4, tương đương hơn 20%.

Cúm gia cầm không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến nguồn cung trứng. Các nguyên nhân khác còn bao gồm nhu cầu về trứng tăng cao hơn do giá thịt đắt đỏ hơn. “Giá thịt bò, thịt lợn và thịt gà cũng đang rất cao, vì vậy trứng là nguồn bổ sung protein thay thế tốt nhất. Nhu cầu cao cũng sẽ khiến giá bị đẩy lên”, giáo sư Anderson của Đại học Texas A&M nhận định.

Hay như tại Mexico và Indonesia, giá trứng tăng cao lại vì một lý do khác.

Như trường hợp ở Mexico, truyền thông địa phương cho biết thời tiết nắng nóng đã khiến nhiều con gà mái chết vì say nắng.

Mexico, quốc gia tiêu thụ trứng trên bình quân đầu người cao nhất thế giới, đã chứng kiến giá tăng 30% lên 45 peso/kg (~60 nghìn đồng) so với tuần trước, đại diện của chợ buôn Central de Mexico chia sẻ với CNBC. Mexico gần đây đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử vào ngày 15/4.

Tại Indonesia, nước sản xuất trứng lớn thứ hai thế giới, giá trứng gà thuần chủng cũng tăng hơn 10% kể từ đầu năm, theo dữ liệu từ Cơ quan Lương thực Quốc gia nước này.

Tất cả những vấn đề và nguy cơ nêu trên như dịch bệnh, điều kiện thời tiết đã khiến người dân trên khắp thế giới phải tìm cách để đối phó với tình hình giá trứng tăng cao.

“Hãy dự trữ trứng đi vì tôi cho rằng chúng sẽ lại có giá 7 USD/tá (~180 nghìn đồng) sau vài tuần nữa”, một người dùng ở Mỹ cho biết trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter cũ).

Một người khác tiết lộ rằng anh đang bắt đầu dự trữ thịt gà và trứng: “Hãy nhớ rằng, bạn có thể đông lạnh trứng gà trong một năm nếu làm đúng cách”.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mặc dù có thể đông lạnh trứng vô thời hạn nhưng người tiêu dùng chỉ nên bảo quản tối đa trong 1 năm để đảm bảo được chất lượng tốt nhất.

Trong khi đó, tại Na Uy, tình trạng thiếu trứng trong kỷ nghỉ lễ Phục Sinh đã khiến người dân đổ xô sang nước láng giềng như Thuỵ Điển để mua trứng dự trữ. Theo cơ sở dữ liệu nghiên cứu địa phương, chỉ số 12 tháng cho thấy giá tiêu dùng trứng ở Na Uy đã tăng 17,4% trong tháng 3.

Tin liên quan