McDonald’s đã đạt được thỏa thuận mua lại 28% cổ phần doanh nghiệp Trung Quốc từ Tập đoàn Carlyle, mang lại cho công ty 48% cổ phần trong các hoạt động trị giá 6 tỷ USD ở đại lục, bao gồm Hồng Kông và Ma Cao…
McDonald’s đã công bố quyết định mua lại 28% cổ phần thiểu số từ Tập đoàn Carlyle trong quan hệ đối tác giám sát hoạt động của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao.
Động thái này là một phần trong chiến lược của McDonald's nhằm kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Mặc dù hoạt động ở đây đang đối mặt với sự sụt giảm lớn trong nhu cầu tiêu dùng và căng thẳng địa chính trị leo thang, nhưng lợi nhuận tiềm năng vẫn được đánh giá là rất lớn.
Vào năm 2017, McDonald's đã đồng ý bán 80% doanh nghiệp ở Trung Quốc và Hồng Kông cho tập đoàn CITIC Ltd được nhà nước hậu thuẫn, chi nhánh đầu tư CITIC Capital và Tập đoàn Carlyle, trong một thỏa thuận lên tới 2,1 tỷ USD.
Một số nhà phân tích chỉ ra, động thái này trái ngược hoàn toàn với nhiều tập đoàn đa quốc gia khác có xu hướng thu hẹp lại quy mô đầu tư hoặc thậm chí rút lui hoàn toàn khỏi Trung Quốc vì những thách thức địa chính trị và kinh tế.
Jason Yu, giám đốc điều hành tại chi nhánh đại lục của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết: “McDonald’s có được một lợi thế lớn, đó là đối tác chính của họ trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, CITIC là một tập đoàn nhà nước rất hùng mạnh”.
Từ năm 2017, McDonald's đã sử dụng vốn từ khoản đầu tư của Carlyle để tăng gấp đôi số lượng nhà hàng của mình lên 5.500, đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ hai của McDonald’s. Hiện nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu có hơn 10.000 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm 2028.
Các đối thủ cạnh tranh của McDonald's cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động tại Trung Quốc. Yum China, công ty điều hành KFC và Pizza Hut, cùng nhiều thương hiệu khác, đã có hơn 14.000 cửa hàng trên khắp đại lục. Trong số những đối thủ nội địa, như thương hiệu burger Wallace cho biết vào năm 2021 rằng họ đã chạm mốc 20.000 cửa hàng, và Tastien - doanh nghiệp chuyên về burger "kiểu Trung Quốc" - dù mới thành lập nhưng đã có tới 3.500 cửa hàng.
Giám đốc Jason Yu của Kantar Worldpanel khuyến nghị, cần phải số hóa và nội địa hóa hơn nữa, với chìa khóa là bản địa hóa để thu hút khẩu vị của người tiêu dùng trong thị trường thức ăn nhanh trị giá 140,2 tỷ USD của Trung Quốc.
Mặc dù thực đơn của McDonald's tại Trung Quốc đa phần giống với menu tại Mỹ, nhưng vẫn có một số sản phẩm được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị địa phương, ví dụ như bánh khoai môn (taro pie) thay vì bánh táo (apple pie) quen thuộc.
Theo Euromonitor, giá trị của thị trường thức ăn nhanh Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng trung bình khoảng 4% hàng năm cho đến 2025. Trong số các nhà hàng tập trung vào món burger, McDonald's chiếm ưu thế với 70% thị phần.
Ben Cavender, giám đốc điều hành và người đứng đầu chiến lược tại China Market Research Group cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc và chi tiêu tiêu dùng mờ nhạt trong năm nay đã gây tổn hại đến lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu có tiếp xúc sâu với thị trường nước này, nhưng McDonald's lại có một năm hoạt động nổi bật hơn hẳn. Bởi lẽ, những thương hiệu nhắm tới người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu quan tâm đến giá trị đang được hưởng lợi lớn, nhất là khi giá thuê mặt bằng kinh doanh đang tiếp tục giảm bớt.
“Thời điểm vàng để “tấn công” mạnh mẽ hơn vào thị trường Trung Quốc chính là lúc này đây”, ông Ben Cavender nhấn mạnh
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Greg Halter - Giám đốc Nghiên cứu của công ty tư vấn đầu tư Carnegie Investment Counsel hoài nghi rằng nếu quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây xấu đi, mọi sự lạc quan đều có thể tan biến.
“Nếu căng thẳng ngày một trầm trọng hơn, chúng ta có thể thấy không chỉ McDonald's mà các công ty khác cũng sẽ buộc phải thoái vốn hoạt động tại Trung Quốc, tương tự như những gì đã xảy ra ở Nga trong hai năm qua”, ông Greg Halter dự đoán.