Nỗ lực khôi phục hòa bình ở Trung Đông

Trong cuộc họp báo chung tại Cairo với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận nhà nước Palestine và đưa nước này gia nhập Liên hợp quốc (LHQ).

Nỗ lực khôi phục hòa bình ở Trung Đông

Khôi phục giải pháp hai nhà nước

Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh, việc khôi phục ý tưởng về giải pháp hai nhà nước trong hơn 30 năm qua đã không mang lại tiến bộ đáng kể, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải có một cách tiếp cận khác, trong đó có việc cộng đồng quốc tế công nhận Nhà nước Palestine và đưa nước này trở thành thành viên chính thức của LHQ. Nhà nước Palestine được công nhận là quốc gia quan sát viên của Đại hội đồng LHQ vào tháng 11/2012.

Nhà lãnh đạo Ai Cập khẳng định, giải pháp duy nhất cho vấn đề Palestine là thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel, dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967 với Đông Jerusalem là thủ đô. Ông El-Sisi bày tỏ sẵn sàng chấp nhận một Nhà nước Palestine phi quân sự, có thể có sự hiện diện tạm thời của các lực lượng quốc tế nhằm bảo đảm an ninh cho cả Palestine và Israel.

Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nêu bật sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Gaza cùng với dòng viện trợ nhân đạo liên tục được đưa vào dải đất này, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp hai nhà nước. Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố, ông đang nỗ lực hướng tới mục tiêu Madrid và châu Âu công nhận Nhà nước Palestine.

Trước đó, Quốc hội Na Uy đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ nước này sẵn sàng công nhận Nhà nước Palestine. Nghị quyết nêu rõ Quốc hội “yêu cầu Chính phủ sẵn sàng công nhận Palestine là một quốc gia độc lập, đặc biệt là khi sự công nhận này có thể có tác động tích cực đến tiến trình hòa bình”. Iceland, Thụy Điển, Ba Lan, CH Czech và Romania là những quốc gia đã công nhận về mặt pháp lý đối với Nhà nước Palestine.

Trong khi đó, Jordan và Qatar đều có chung quan điểm trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở dải Gaza, bảo vệ dân thường và bảo đảm cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine. Thủ tướng Jordan Bisher Khasawneh cho biết, hai nước kêu gọi mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa bình công bằng và toàn diện dựa trên giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel – Palestine, cũng như thành lập nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967. Qatar phản đối việc cưỡng bức di dời người Palestine, cũng như bất kỳ thay đổi nào đối với tình trạng lịch sử và pháp lý của Jerusalem.

Tiếp tục viện trợ phát triển cho người Palestine

Liên minh châu Âu (EU) đã “bật đèn xanh” việc duy trì chính sách viện trợ phát triển cho người Palestine, song cảnh báo sẽ giám sát chặt hơn trong tương lai. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nhấn mạnh, nhờ hệ thống kiểm soát hiệu quả nên EU sẽ tiếp tục chi trả các khoản thanh toán cho những người Palestine và Chương trình cứu trợ LHQ dành cho người tị nạn Palestine mà không có bất kỳ sự chậm trễ nào.

Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua các hợp đồng với tổng trị giá 216 triệu euro, trong đó có hỗ trợ tài chính cho chính quyền Palestine (PA) và chi trả lương cho công chức Palestine. EU là nhà viện trợ quốc tế lớn nhất cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, với gần 1,2 tỷ euro giai đoạn 2021-2024. Trong những tuần gần đây, EU đã tăng gấp bốn viện trợ nhân đạo cho người Palestine lên 100 triệu euro.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths khẳng định, LHQ sẵn sàng tăng cường các hoạt động viện trợ nhân đạo vào dải Gaza. Phó Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, cho phép tiếp cận nhân đạo an toàn và không bị cản trở ở dải Gaza, bảo vệ thường dân và lập tức thả vô điều kiện tất cả con tin.

Viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở dải Gaza hiện chỉ đi qua Rafah - cửa khẩu biên giới với Ai Cập. Trước khi xung đột bùng phát, trung bình có 10.000 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza mỗi tháng, song kể từ ngày 21/10, chỉ có khoảng 1.000 xe.