Công ty Thịnh Phát và bí mật đằng sau những gói thầu triệu đô

Tọa lạc tại Khu Công Nghiệp Sài Đồng B, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát đã nhanh chóng trở thành một cái tên đình đám trong ngành xây dựng.

Với khả năng đấu thầu gần như "bách phát bách trúng", Thịnh Phát không ngừng làm dậy sóng thị trường với những con số ấn tượng khi tham gia 27 gói thầu, trúng tới 21 gói, chỉ trượt 4 gói, và 2 gói còn lại đang chờ kết quả. Tổng giá trị các gói thầu mà công ty giành được lên đến hơn 8.677 tỷ đồng, với tỷ lệ chào giá thấp nhất là 96,2% và tỷ lệ trung bình giá trúng so với giá dự toán đạt 93,86%.

Thịnh Phát đã và đang để lại dấu ấn mạnh mẽ tại các tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội,... Điều gì đã làm nên sức mạnh và sự thành công vượt bậc của Thịnh Phát?

NHỮNG GÓI THẦU TRIỆU ĐÔ

Công ty Đầu tư Thịnh Phát nổi bật trong giới xây dựng không chỉ bởi quy mô mà còn bởi mối quan hệ mật thiết với nhiều "ông lớn" trong ngành. Dù chỉ có quan hệ với 17 bên mời thầu, Thịnh Phát đã bắt tay liên doanh với 37 nhà thầu khác, trong đó có những cái tên quen thuộc như Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội, Tập đoàn Đông Đô, Tập đoàn Đèo Cả, và Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75,...

Những doanh nghiệp này không chỉ đơn thuần là nổi tiếng, mà còn được coi như những người khổng lồ quyền lực trên thương trường, với những dự án tầm cỡ có giá trị từ hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng. Họ đã đan kết với nhau trong mối quan hệ làm ăn chặt chẽ, khăng khít với nhau.

Điển hình như "Gói thầu số 06: Thi công xây dựng đường giao thông; bảo hiểm công trình" mà Thịnh Phát và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã giành được từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương. Đây là một phần của dự án Đầu tư xây dựng đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, với tuyến đường từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba Đầu Rồng. Gói thầu trị giá hơn 118 tỷ đồng này là chiến thắng đầu tiên của Thịnh Phát trong năm 2024.

Không dừng lại ở đó, Thịnh Phát tiếp tục củng cố vị thế của mình khi liên kết với Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75, Công ty Cổ phần Vinadelta, Công ty Cổ phần Xây dựng số một - Việt Nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 1 Mê Kông để thắng "Gói thầu số 20: Thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông" từ Ban Dự án đầu tư công trình giao thông – xây dựng.

Gói thầu này thuộc dự án "Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên" và liên doanh này đã trúng với giá hơn 2.434 tỷ đồng. Được biết, cả 5 doanh nghiệp trên đều là những tên tuổi có máu mặt trên thị trường ngành xây dựng, nhất là Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75 - một đơn vị đã trúng đấu thầu tới hơn 25.072 tỷ đồng trong suốt những năm qua.

Nhưng ấn tượng nhất là khi Thịnh Phát và Xây dựng cầu 75 cùng các đối tác khác (Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng T&D, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Xây lắp 368) liên danh trong một gói thầu khác. Đó là "Gói thầu số 27: Thi công xây dựng công trình (phần khối lượng bổ sung do điều chỉnh lên 6 làn xe)" của dự án Đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Điều bất ngờ là tỷ lệ trúng thầu sát giá đến kinh ngạc. Khi giá thầu đưa ra hơn 919 tỷ đồng, nhưng liên danh này đã chiến thắng với mức giá hơn 916 tỷ đồng, chênh lệch chỉ đúng 3 tỷ đồng – một con số cho thấy sự tinh tế và chiến lược tài tình trong cách họ tham gia đấu thầu.

Trong khi đó, những cái tên như Xây lắp 368 với giá trị trúng thầu 23.946 tỷ đồng, hay Tập đoàn Đèo Cả với hơn 33.870 tỷ đồng, càng chứng minh thêm rằng Thịnh Phát đang duy trì mối quan hệ với những ông lớn đáng gờm nổi danh khắp trong và ngoài ngành.

Cũng trong năm 2020 này (năm đỉnh cao của Thịnh Phát khi trúng liên tiếp 5 gói thầu lớn), Đầu tư Thịnh Phát cùng Tập đoàn Đèo Cả và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính trúng gói thầu lên tới hơn 1.501 tỷ đồng. Đó là "Gói thầu số 08: Thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng công trình" thuộc dự án Cầu Cửa Lục 1 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh". Đây cũng là liên doanh duy nhất tham gia và trúng gói thầu này.

Ẩn sau danh sách những đối tác tên tuổi đã được nhắc đến, Thịnh Phát còn duy trì mối quan hệ khăng khít với nhiều doanh nghiệp tiếng tăm khác, một mạng lưới kết nối đáng nể trong giới kinh doanh. Song điều đáng nói hơn cả là không chỉ dừng lại ở việc hợp tác để cùng đấu thầu, doanh nghiệp đã khẳng định năng lực của mình khi tự mình giành được những gói thầu khổng lồ.

Chẳng hạn, họ đã xuất sắc chinh phục “Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình” thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng tại tỉnh Hưng Yên, với giá trị lên đến hơn 217 tỷ đồng. Hay “Gói thầu số 21: Thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông” thuộc dự án "Xây dựng đường giao thông và kè sông Bần – Vũ Xá thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên", một gói thầu đáng gờm với giá trị hơn 662 tỷ đồng.

Những con số này không chỉ minh chứng cho tầm vóc mà còn khẳng định bản lĩnh và năng lực của Thịnh Phát trên thị trường xây dựng.

dau-tu-thinh-phat.jpg
Thịnh Phát trúng thầu khu đất vàng ở Cẩm Phả và xây dựng dự án tại đây

Năm 2020, Thịnh Phát tiếp tục củng cố vị thế khi cùng với Công ty Cổ phần thiết bị phòng cháy chữa cháy Quảng Ninh và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ - NKVietNam vượt qua mọi thử thách để giành lấy một gói thầu trị giá hơn 167 tỷ đồng. Dự án này, dưới sự quản lý của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phường Nam Khê, thành phố Uông Bí.

Đó chính là “Gói thầu số 14: Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình giai đoạn 2 (gồm: khối nhà 02 tầng + bể bơi, khối nhà 09 tầng + 01 tum; khối nhà giáo dục thể chất quốc phòng; hạ tầng kỹ thuật; cải tạo sửa chữa thư viện hiện có thành Trung tâm hợp tác quốc tế; phá dỡ nhà đa chức năng)”, một phần quan trọng của dự án Trường Đại học Hạ Long - Giai đoạn II tại cơ sở 1, phường Nam Khê, thành phố Uông Bí.

Có thể thấy, Đầu tư Thịnh Phát đã khẳng định vị thế của mình như một thế lực không thể xem nhẹ trong ngành xây dựng. Với một mạng lưới quan hệ tinh vi, được dệt nên từ những mối liên kết chiến lược với các tên tuổi hàng đầu trên toàn quốc. Nhờ đó, họ không ngừng chứng tỏ khả năng vượt trội của mình.

Mỗi lần tham gia đấu thầu, Thịnh Phát đều đạt được thành công với khả năng liên tục duy trì tỷ lệ chiến thắng đáng kinh ngạc gần như "bách phát bách trúng". Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi tò mò về chiến lược đấu thầu hoàn hảo và khả năng sắc bén, khéo léo của doanh nghiệp này?

TỚI NHỮNG KHOẢN THẾ CHẤP "TỐC HÀNH"

Đầu tư Thịnh Phát không chỉ đơn thuần nổi lên như một ẩn số trong giới xây dựng mà còn là một doanh nghiệp có tốc độ thế chấp "nhanh như chớp". Thịnh Phát đã gây xôn xao khi liên tục biến các dự án vừa trúng thầu thành các khoản thế chấp, diễn ra nhanh chóng đến mức khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Cụ thể, vào ngày 13/12/2023, chỉ vỏn vẹn 8 ngày sau khi trúng thầu "Gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình" thuộc dự án Dự án Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng, tỉnh Hưng Yên (đoạn từ Km117+900 đến Km127+000), gói thầu này đã bị thế chấp cho Ngân Hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tài sản đảm bảo là: "toàn bộ quyền đòi nợ, hàng hóa, tài sản, quyền sở hữu và lợi ích khác phát sinh từ việc bán hàng hóa theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 158/2023/HĐTCXD có hiệu lực từ ngày 05/12/2023 giữa Bên Bảo đảm và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".

Trước đó, vào ngày 9/3/2022, Thịnh Phát trúng "Gói thầu số 06: Thi công xây dựng, nâng cấp đường đê đoạn từ K18 đến K20+700 và xây dựng đường HL chân đê từ K11+600 đến K20+700 đê tả sông Luộc". Nhưng chỉ 19 ngày sau, vào ngày 28/3/2022, dự án đã nhanh chóng bị thế chấp cho VPBank. Đáng chú ý, Thịnh Phát là đơn vị duy nhất tham gia đấu thầu và trúng với giá sát nút hơn 87 tỷ đồng, chỉ chênh lệch hơn 271 triệu đồng so với giá thầu.

Thực tế, việc thế chấp các dự án ngay sau khi trúng thầu dường như là một chiến lược quen thuộc của Thịnh Phát. Ngày 24/2/2020, tài sản của công ty đã được thế chấp vào VPBank. Tài sản bảo đảm là "Quyền đòi nợ hình thành trong tương lai của Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số: 27/2019/HĐ-XL ngày 05/09/2019 và các Phụ lục hợp đồng giữa Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh và Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần đầu tư Thịnh Phát và Công ty TNHH Thành Dương".

Chỉ sau 11 ngày kể từ khi liên danh Thịnh Phát - Thành Dương trúng thầu, dự án này đã nhanh chóng trở thành "món hàng" trong tay ngân hàng.

Tuy nhiên, kịch tính nhất phải kể đến là ngày 21/6/2021, khi VPBank ký tới 3 hợp đồng thế chấp liên quan đến Thịnh Phát chỉ trong 1 ngày . Một trong số đó là "Quyền đòi nợ hình thành trong tương lai của Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số: 0412/2021/HĐXD-LTHY-HN ký ngày 04/12/2021 giữa Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông - xây dựng và Liên danh nhà thầu thi công xây dựng gói thầu số 20".

Điều này làm dấy lên nhiều nghi vấn khi hợp đồng này mang theo những điều khoản, con số kỳ lạ, khiến các chuyên gia kinh tế cũng phải bối rối và kinh ngạc trước khả năng "đoán định tương lai" của Thịnh Phát.

Vậy liệu đây là kết quả của tài năng thực thụ trong việc giành thầu, hay còn những bí mật sâu kín nào ẩn giấu sau ánh hào quang? Điều này sẽ được Thương gia giải đáp ở những bài tiếp theo.

Tin liên quan