Cánh chim đầu đàn trong khối phát điện của EVN đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm hơn 10 lần so với năm vừa qua.
Đại hội đồng cổ đông Genco 3 vừa diễn ra đặt mức lợi nhuận năm nay chỉ ở mức 196 tỷ so với hơn 2.200 tỷ đồng năm ngoái.
Thông số này được đưa ra giữa bối cảnh các nhà máy điện vận hành bình thường và hệ thống tăng trưởng cao trong năm tháng đầu năm nay.
Chỉ tiêu “khiêm tốn” nêu trên, theo ban lãnh đạo Genco 3, xuất phát từ một số nguyên nhân như kế hoạch sản lượng điện được Bộ Công thương cân đối giao thấp.
Bên cạnh đó, quy định về thị trường điện khác biệt so với mọi năm như sản lượng điện hợp đồng của các nhà máy điện được tính theo phương thức tháng với tỷ lệ alpha của nhà máy nhiệt điện giảm từ 80% xuống 70% và thủy điện tăng từ 90% đến 98%.
Một số nguyên nhân khác được nêu ra là Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong hai tháng đầu năm không được phân bổ phương thức nên không có sản lượng điện hợp đồng, thủy văn các tháng đầu năm không thuận lợi cũng như nguồn khí nội địa suy giảm mạnh.
Với đặc thù lợi nhuận chính đến từ sản xuất điện, Genco 3 thừa nhận kế hoạch lợi nhuận năm nay rất thấp. Thực tế, Genco 3 đã ghi nhận lỗ ngay trong ba tháng đầu năm.
Giá than và giá khí cao là một trong những nguyên nhân giảm huy động công suất các nhà máy điện của Genco 3. Do chào giá trên thị trường điện là giá biến đổi, thị trường điện ưu tiên huy động từ thấp đến cao theo thứ tự: các nhà máy điện BOT, năng lượng tái tạo, nguồn điện giá rẻ như thủy điện, nhà máy điện sử dụng nhiên liệu giá rẻ.
Với một số kế hoạch đầu tư các dự án điện tái tạo quy mô lớn như điện gió ngoài khơi 1.000MW tại Bình Thuận, điện linh hoạt 300MW tại Ninh Bình cũng như LNG Long Sơn 1.500MW tại Bình Định, Genco 3 có nhu cầu vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bài toán tài chính này đặt ra trong bối cảnh Genco 3 vẫn chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa cũng như áp lực đeo đẳng từ lỗ chênh lệch tỷ giá những năm gần đây.
Để có nguồn lực phục vụ các dự án, Genco 3 thừa nhận phương án phát hành tăng vốn điều lệ là tất yếu. Tuy nhiên, do tính chất doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước là EVN nên Genco 3 sẽ sớm hoàn thành quyết toán cổ phần hóa để triển khai các bước tiếp theo của lộ trình tái cơ cấu.
Đáng chú ý, Genco 3 hiện ghi nhận dư nợ vay ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD chiếm tỷ trọng lớn để đầu tư các dự án nhiệt điện Mông Dương 1 và Vĩnh Tân 2. Với xu hướng tăng giá của USD trong thời gian qua, kết quả sản xuất kinh doanh của Genco 3 chịu ảnh hưởng của rủi ro tỷ giá.
Theo chế độ kế toán, cuối mỗi năm Genco 3 thực hiện đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để ghi nhận và hạch toán lỗ, lãi trong báo cáo tài chính. Năm ngoái, lỗ chênh lệch tỷ giá của Genco 3 là 828 tỷ đồng.
Genco 3 cho biết hàng năm phối hợp với bên mua điện để tổng hợp, tính toán số liệu chênh lệch tỷ giá, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định. Đến nay, EVN đã thanh toán chênh lệch tỷ giá các năm 2015-2018 và một phần năm 2019.
Số chênh lệch tỷ giá còn lại của năm 2019 và các năm 2020-2023 tính toán theo quy định là khoảng 3.770 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 837 tỷ đồng.
Hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá điện
Nguyễn Cảnh