Ngân hàng SeABank (mã cổ phiếu SSB) vừa công bố thông tin bất thường về việc dừng thương vụ bán cổ phần cho quỹ đầu tư Norfund thuộc Chính phủ Nauy.
HĐQT Ngân hàng SeABank sẽ báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc dừng thương vụ bán vốn cổ phần cho quỹ Norfund.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Ngân hàng SeABank, mã cổ phiếu SSB – sàn HoSE) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc dừng thực hiện phương án chào bán riêng lẻ hơn 94 triệu cổ phiếu SSB cho quỹ đầu tư Norwegian Investment Fund (Norfund).
Hội đồng Quản trị Ngân hàng SeABank cũng cho biết sẽ báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc dừng thương vụ trên.
Trước đó, hồi đầu tháng 7/2023, HĐQT Ngân hàng SeABank đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ trên với mức giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách của SeABank và không vượt quá 120% mức trung bình giá cổ phiếu SSB trong 30 phiên gần nhất.
Toàn bộ lượng cổ phần chào bán cho Norfund sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm. Việc thực hiện dự kiến trong năm nay hoặc thời điểm khác do HĐQT Ngân hàng SeABank quyết định.
Ngân hàng SeABank từng dự kiến thu về tối thiểu 1.216 tỷ đồng từ thương vụ này và số tiền thu về sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh (1.095 tỷ đồng), đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới (121 tỷ đồng).
Về quỹ Norfund, đây là quỹ đầu tư cho các nước đang phát triển của Chính phủ Na Uy nhằm hỗ trợ vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại thị trường Việt Nam, gần đây nhât, quỹ Norfund góp 35% cổ phần vào dự án năng lượng mặt trời công suất 11 MW đang được Norsk Solar AS thi công tại Việt Nam.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu SSB của Ngân hàng SeABank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Xem thêm: "Thêm một lãnh đạo cấp cao Ngân hàng SeABank (SSB) muốn bán ra lượng lớn cổ phiếu SSB đang sở hữu" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ngân hàng SeABank hiện là một trong số ít những ngân hàng Việt Nam hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Vấn đề này được các cổ đông Ngân hàng SeABank nhắc tới liên tục trong các Đại hội đồng cổ đông thường niên những năm gần đây.
Năm 2018, cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Socíeté Générale (Pháp) đã thoái toàn bộ phần vốn sở hữu tại Ngân hàng SeABank. Cổ đông này bắt đầu đầu tư và sở hữu 15% vốn của SeABank từ năm 2008. Những năm sau đó, Tập đoàn Socíeté Générale tiếp tục mua thêm để nâng sở hữu tại SeABank lên mức tối đa 20%.
Sau khi Socíeté Générale thoái vốn, Ngân hàng SeABank khóa room ngoại về mức 0%, sau đó nâng lên 5% từ tháng 8/2021. Đến tháng 7/2023, ngân hàng này khóa room ngoại ở mức 1,2877% nhằm chuẩn bị cho thương vụ với quỹ Norfund.
Theo dữ liệu của hãng chứng khoán Techcombank Securities (TCBS), tính đến đầu tháng 11/2023, nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ nắm 0,1% vốn điều lệ của Ngân hàng SeABank.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng SeABank vừa chính thức chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của ngân hàng này tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd thuộc AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, qua đó thu về 4.300 tỷ đồng.
Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại PTF là hoạt động nằm trong lộ trình đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng SeABank thông qua để tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng có nhu cầu nhận chuyển nhượng phần vốn góp của SeABank tại PTF.
Ban lãnh đạo Ngân hàng SeABank cho biết số tiền thu được từ việc chuyển nhượng vốn góp PTF sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như giúp ngân hàng này có thêm nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.
Duy Quang