Phát huy vai trò các doanh nghiệp lớn

Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn (gồm Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Sungroup; Tập đoàn Thaco; Tập đoàn Hòa Phát; Công ty CP Tập đoàn TH; Tập đoàn thủy sản Minh Phú; Công ty CP Tập đoàn Masan; T&T Group; Công ty CP Tập đoàn Sovico; Công ty CP Cơ điện lạnh (REE); Tập đoàn Geleximco; Tập đoàn KN) đạt khoảng 70 tỷ USD. Nhiều tập đoàn đã phát triển vươn tầm ra thế giới, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Còn nhiều kỳ vọng

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, doanh nghiệp, doanh nhân đã luôn khẳng định được vai trò then chốt trong nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, đến nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn; từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. “Việc huy động được khối tài sản này cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm tính tự chủ của kinh tế đất nước", Bộ trưởng nêu rõ.

Dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, song Bộ trưởng cho rằng nhóm doanh nghiệp này vẫn chưa thật sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Cụ thể, tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh.

Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế. Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn thấp.

Phát huy vai trò các doanh nghiệp lớn ảnh 1

Người dân trải nghiệm xe máy điện Vinfast. Ảnh: NAM ANH

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp

Là tập đoàn kinh tế đa ngành đã có hơn 30 năm phát triển, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO cho biết, Tập đoàn đã và đang đóng góp vào hoạt động kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực như ngân hàng, hàng không, phát triển đô thị, công nghệ - chuyển đổi số… với hơn 40.000 cán bộ, công nhân viên với 2 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thuộc VN30, vốn hóa khoảng 5,5 tỷ USD. Để trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, bà Thảo đề nghị tạo điều kiện, cơ chế để Vietjet chủ động đầu tư, xây dựng một đội máy bay Việt Nam hùng mạnh. “Với vị trí thuận lợi, chúng ta hãy khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc…”, bà Thảo kỳ vọng.

Tương tự, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đã đưa ra đề xuất ở ba nhóm vấn đề: đào tạo nhân lực, nhà ở xã hội và công nghiệp phụ trợ. Cụ thể, về lĩnh vực đào tạo, đề nghị Chính phủ mở rộng hạn ngạch đầu tư đào tạo cho các sinh viên trong lĩnh vực công nghệ, khoa học máy tính, AI và dữ liệu lớn sẽ tạo ra một lực lượng lao động có triển vọng lớn trong tương lai. Trong vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục. Đồng thời, cũng đề xuất Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội như phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác… Liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ, ông Vượng đề xuất Chính phủ hỗ trợ các DNNVV để họ có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng này. “Nếu đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ sớm có một nền công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ”, ông Vượng tin tưởng.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong:

Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ hai, tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia.

Thứ ba, tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh.

Thứ năm, tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cuối cùng, tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.