Shein bị chính quyền Italy “sờ gáy” vì cáo buộc đánh lừa người tiêu dùng

Cơ quan chống độc quyền của Italy vừa mở cuộc điều tra về Shein, cáo buộc hãng thời trang nhanh này đưa ra các tuyên bố gây hiểu lầm về môi trường. Cuộc điều tra tập trung vào việc Shein có thể đã tạo dựng hình ảnh sản xuất bền vững nhưng không cung cấp đủ thông tin minh bạch…

Cuộc điều tra của Italy nhắm vào công ty Infinite Styles Services CO. Limited với cáo buộc rằng website Shein đang cố gắng truyền tải hình ảnh về sự bền vững trong sản xuất và thương mại nhưng thông tin được đưa ra còn quá chung chung, mơ hồ, gây nhầm lẫn và/hoặc gây hiểu lầm tới người tiêu dùng.

Đây là động thái mới nhất trong chuỗi điều tra của các cơ quan quản lý trên khắp châu Âu liên quan đến những tuyên bố có thể gây hiểu lầm về môi trường. Trước đó, Liên minh châu Âu đã công bố hàng loạt quy định mới nhằm trấn áp hành vi "greenwashing" (tuyên bố sai về tính thân thiện với môi trường).

Cơ quan chức năng của Italy cho biết một số thông tin trên Shein về bộ sưu tập ‘evoluSHEIN’ có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về lượng vải "xanh" được sử dụng, đồng thời không có ghi chú rõ ràng về việc các sản phẩm này không thể tái chế.

Ngoài ra, Shein nhiều lần nhấn mạnh cam kết giảm phát thải khí nhà kính, nhưng lại mâu thuẫn với chính những báo cáo của công ty vào năm 2022 và 2023, trong đó cho thấy lượng phát thải tiếp tục tăng cao.

Được thành lập tại Trung Quốc, Shein là một nền tảng thương mại điện tử vốn nổi tiếng với các sản phẩm thời trang, phụ kiện giá rẻ. Các hồ sơ về môi trường và hoạt động sản xuất của hãng bị giám sát chặt chẽ hơn kể từ sau khi Shein báo cáo về khả năng IPO tại London (Vương quốc Anh). Hiện tại, Shein đặt trụ sở cho Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi ở thủ đô Dublin (Ireland). Trụ sở toàn cầu của hãng được đặt tại Singapore.

Theo quy định chống "greenwashing" của Liên minh châu Âu, có hiệu lực từ năm nay và sẽ được áp dụng tại tất cả các quốc gia thành viên trong hai năm tới, doanh nghiệp không được phép đưa ra các tuyên bố mơ hồ về môi trường như gắn nhãn sản phẩm là "tiết kiệm năng lượng" hoặc "thân thiện với môi trường" nếu không có bằng chứng cụ thể để chứng minh.

"Chúng ta đang trải qua một giai đoạn điều chỉnh các tuyên bố xanh, trong đó các công ty sẽ phải cung cấp dữ liệu để chứng minh cho thông điệp môi trường của mình hoặc sẽ bị điều tra và chịu phạt nếu sai sự thật”, Abbie Morris, Giám đốc điều hành của Compare Ethics chia sẻ. Compare Ethics là một công ty kiểm tra tính tuân thủ của các tuyên bố xanh, với tập khách hàng cao cấp như thương hiệu Reformation và New Look.

Trong phản hồi của mình, Shein cho biết công ty sẵn sàng hợp tác cởi mở với các cơ quan chức năng Italy, cung cấp sự hỗ trợ và thông tin cần thiết để giải quyết các thắc mắc. Công ty một lần nữa khẳng định cam kết tuân thủ luật pháp và quy định tại các thị trường mà hãng hoạt động, đồng thời duy trì tính minh bạch với khách hàng.

Cơ quan chống độc quyền, chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng cũng như các vấn đề cạnh tranh của Italy gần đây đã mở cuộc điều tra đối với Google và một số thương hiệu thời trang như Giorgio Armani và Dior. Theo luật pháp Italy, các công ty vi phạm quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị phạt từ 5.000 Euro đến 10 triệu Euro (tương đương 5.590 - 11,2 triệu USD).