“Nội soi" danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán trong quý 3/2024

Quý 3 vừa qua, mảng tự doanh của các công ty chứng khoán đã xuất hiện những tín hiệu trái chiều. Nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận lợi nhuận cao từ hoạt động này, trong khi một số đơn vị lại trải qua những thách thức không nhỏ...
 

Tự doanh là một phần quan trọng trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán, thể hiện hoạt động mua bán chứng khoán nhằm thu lợi nhuận. Mảng này bao gồm ba loại tài sản tài chính: tài sản ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Trong đó, lãi từ FVTPL và HTM sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh, trong khi lãi từ AFS sẽ được hạch toán vào vốn chủ sở hữu, không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán có thể điều tiết lợi nhuận bằng cách chuyển đổi các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.

Về phần HTM, đây chủ yếu là các khoản đầu tư với lãi suất cố định, như tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, cho vay lấy lãi và công cụ thị trường tiền tệ…

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2024, tổng giá trị tài sản tự doanh của 77 công ty chứng khoán đạt khoảng 242.400 tỷ đồng (xấp xỉ 9,7 tỷ USD), tăng 10% so với cuối năm 2023 và tăng 2% so với cuối quý 2.

Danh mục tự doanh chủ yếu bao gồm các tài sản ít biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và công cụ thị trường tiền tệ, trong khi cổ phiếu thường chiếm tỷ trọng nhỏ. Cơ cấu tài sản giữa FVTPL, HTM và AFS cho thấy đa số các công ty chứng khoán ghi nhận giá trị lớn nhất tại FVTPL.

“HỐT BẠC” NHỜ TỰ DOANH

Theo báo cáo tài chính mới công bố của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của công ty đạt hơn 6.140 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt đạt 2.878 tỷ đồng và 2.312 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) cùng với lãi từ cho vay và phải thu đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của SSI. Điều này cho thấy công ty tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về giá trị đầu tư trong quý 3/2024. Báo cáo tài chính riêng ghi nhận danh mục đầu tư của SSI đạt hơn 41.000 tỷ đồng, không bao gồm cổ phiếu phòng ngừa rủi ro từ chứng quyền.

ssi-9768-8220.jpg
Danh mục tự doanh của Chứng khoán SSI

Trong cơ cấu danh mục, SSI phân bổ 87% vào tài sản ghi nhận theo giá trị hợp lý (FVTPL), 12% vào tài sản giữ đến ngày đáo hạn (HTM), và hơn 1% vào tài sản sẵn sàng để bán (AFS).

Tổng kết quý 3, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCI) ghi nhận lãi sau thuế đạt 215 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ việc thực hiện hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư như MSN, MBB, PNJ và STB, dẫn đến doanh thu từ tài sản FVTPL tăng mạnh. VCI cũng đã mua thêm TDM, FPT và gia tăng đầu tư vào trái phiếu.

vci-6633-2430.jpg
Danh mục tự doanh của Chứng khoán VCI

Lãi từ tài sản tài chính FVTPL trong quý đạt gần 536 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi phần lỗ từ tài sản FVTPL (252 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ) và chi phí tự doanh hơn 14 tỷ đồng, mảng tự doanh của công ty vẫn thu lãi gần 270 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm trước.

Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng ghi nhận doanh thu khả quan từ mảng tự doanh với danh mục trị giá hơn 7.700 tỷ đồng. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) của MBS đạt gần 3.800 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó hơn 3.100 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn. Khoản mục tài sản sẵn sàng để bán (AFS) cũng ghi nhận hơn 2.200 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết (1.812 tỷ đồng), cổ phiếu niêm yết (268 tỷ đồng) và cổ phiếu chưa niêm yết (118 tỷ đồng). Còn khoản mục tài sản ghi nhận FVTPL ghi nhận hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo đó, mảng tự doanh với lãi từ FVTPL cao gấp 11 lần cùng kỳ, đạt 286 tỷ đồng, đóng góp vào doanh thu hoạt động 806 tỷ đồng của quý 3/2024.

Danh mục tự doanh của Chứng khoán HSC

Danh mục tự doanh của Chứng khoán HSC

Đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), toàn bộ mảng tự doanh là FVTPL với giá trị gần 8.200 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu. Mảng tự doanh quý này lãi 130,6 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 3 năm trước. Lãi tài sản FVTPL quý này của HCM đạt gần 460 tỷ đồng, tăng 55%.

Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX chủ yếu ghi nhận tài sản tự doanh tại FVTPL, với gần 40% danh mục là cổ phiếu. Hoạt động tự doanh của VIX đạt 400,8 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng 146,3% so với cùng kỳ năm trước, góp phần đáng kể vào kết quả lợi nhuận của công ty.

“BUỒN” VÌ TỰ DOANH

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VND) xếp thứ hai sau SSI về giá trị đầu tư, với danh mục tự doanh chủ yếu phân bổ vào FVTPL, chiếm tỷ trọng 84%. Tuy nhiên, ba mảng kinh doanh chính của VNDirect, bao gồm tự doanh, môi giới và cho vay, đều gặp khó khăn, dẫn đến lãi ròng quý 3 giảm 21%, còn 505 tỷ đồng.

Trong mảng tự doanh, doanh thu ròng từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 27% so với cùng kỳ, đạt 678 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất từ các tài sản như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp giảm.

Mặc dù lỗ từ FVTPL giảm 8% xuống dưới 260 tỷ đồng, với chi phí không thay đổi nhiều ở mức hơn 9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận từ mảng tự doanh của VNDirect vẫn giảm 36%, còn 409 tỷ đồng so với cùng kỳ.

vnd-3642-705.jpg
Danh mục tự doanh của Chứng khoán VND

Báo cáo tài chính quý 3/2024 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng cho thấy sự sụt giảm trong doanh thu mảng tự doanh. Cụ thể, SHS ghi nhận lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi phần lỗ FVTPL gần 107 tỷ đồng và chi phí 5,5 tỷ đồng, mảng tự doanh của công ty ghi nhận lỗ hơn 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 43 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9/2024, quy mô tài sản FVTPL của SHS đã tăng thêm 1.850 tỷ đồng so với đầu năm, đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, nhờ tăng tỷ trọng vào cổ phiếu niêm yết, trái phiếu niêm yết và công cụ thị trường tiền tệ.

Trong danh mục FVTPL, bốn mã cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất bao gồm VPB với giá gốc gần 350 tỷ đồng (tạm lỗ 11%), FRT (201 tỷ đồng, tạm lãi 111%), MWG (141 tỷ đồng, tạm lãi 28%) và FPT (78 tỷ đồng, tạm lãi 72%).

Ngoài ra, tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của SHS ghi nhận giá mua 475 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm. Trong danh mục này, công ty nắm giữ cổ phiếu SHB với giá trị hơn 275 tỷ đồng (tạm lãi 114%) và cổ phiếu TCD trị giá 200 tỷ đồng (tạm lỗ 65%).