Ứng dụng giao đồ ăn Baemin đã chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam từ ngày 8/12/2023, khép lại gần 5 năm gia nhập thị trường. Trong thời gian ngắn, Baemin đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ giao đồ ăn từ các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, và nhiều nơi khác đến tận tay khách hàng.
Đây từng được xem là ứng dụng giao đồ ăn hoạt động rộng nhất ở Việt Nam khi có mặt tại 21 tỉnh, thành vào đầu năm 2022.
Theo số liệu được công bố bởi Vietdata, trước khi tuyên bố đóng cửa, Baemin đã có khoảng thời gian kinh doanh giành thị phần đầy khốc liệt khi duy trì được mức doanh thu tăng trưởng qua các năm.
Cụ thể, vào năm 2020, doanh thu của Baemin chỉ ở mức gần 441 tỷ đồng, thì đến năm 2022, doanh thu đã tăng lên 83,9% cán mốc hơn 810 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc Baemin liên tục mở rộng cũng đi kèm với những khoản lỗ tăng nhanh qua các năm. Nếu năm 2020 công ty lỗ sau thuế hơn 1.400 tỷ đồng, thì đến năm 2021 khoản lỗ này tăng đến 1.500 tỷ đồng và năm 2022 là khoảng 1.300 tỷ đồng, theo Vietdata.
Như vậy, chỉ trong 3 năm gần nhất, Baemin đã lỗ sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng. Con số này tương đương với khoản lỗ lũy kế của Grab Việt Nam sau 9 năm hoạt động.
Điều này phù hợp với những chia sẻ trước đây của đồng sáng lập và CEO Delivery Hero - ông Niklas Oestberg, khi cho rằng, việc kinh doanh giao đồ ăn tại Việt Nam sẽ "không bao giờ có lãi".
Thực tế, dù có nhiều lợi thế phát triển, nhưng thị trường giao đồ ăn trực tuyến vẫn phải đối mặt với thách thức lớn nhất hiện nay, đó là sự phát triển bền vững.
Trước đây thị trường này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mãi giữa các ứng dụng công nghệ. Việc đầu tư vào mã khuyến mãi giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn và nâng cao số lượng đơn hàng.
Tuy nhiên, điểm bất cập của cuộc đua mã khuyến mãi là tạo nên một hướng đi chiếm lĩnh thị trường không bền vững và gây nên sự mất cân bằng cho thị trường mục tiêu.
"Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng. Tuy nhiên nếu người dùng gắn với ứng dụng chỉ vì có khuyến mãi tốt, thì họ sẽ quay lưng khi khuyến mãi không còn", một chuyên gia trong lĩnh vực giao đồ ăn chia sẻ.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của hãng nghiên cứu Statista, thị trường ứng dụng giao đồ ăn thực sự là một "sân chơi" màu mỡ, khi tổng giá trị đơn hàng trên các nền tảng giao đồ ăn ở Việt Nam đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2022.
Về thị phần, trước khi đóng cửa tại Việt Nam, Baemin nắm giữ 12% thị phần giao đồ ăn vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 45% của Grab và 41% của ShopeeFood.
Việc Baemin rút khỏi thị trường giao đồ ăn Việt Nam đồng nghĩa thị trường gọi xe công nghệ sắp tới sẽ có những biến động đáng kể, và không loại trừ khả năng các hãng gọi xe sẽ chia lại thị phần.
Bên cạnh lĩnh vực giao đồ ăn cốt lõi, Baemin còn cung cấp một số dịch vụ khác như đi chợ hộ, cửa hàng bách hóa trực tuyến, bán mỹ phẩm.
Xuất hiện khá muộn so với nhiều tên tuổi giao đồ ăn và giao nhận khác, nhưng Baemin đã tạo được ấn tượng tốt và thu hút sự chú ý đáng kể với đông đảo người dùng thông qua các chiến dịch quảng bá, marketing ấn tượng.
Cuối tháng 9/2023, bà Cao Thị Ngọc Loan - Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin tiết lộ kế hoạch rút lui khỏi thị trường Việt Nam.
Bà Loan cho biết: "Thật không may, quyết định này đã được đẩy nhanh bởi môi trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam, cùng sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao của người tiêu dùng".
Trước động thái này, Baemin Việt Nam đã ngừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An, Bắc Ninh và tiến tới đóng cửa hoàn toàn vào đầu tháng 12/2023.
Việt Hưng