Dow Jones kéo dài chuỗi tăng, chinh phục lại ngưỡng 39.000 điểm

Chỉ số Dow Jones kết thúc cao hơn vào 8/5, kéo dài chuỗi tăng điểm sáu phiên liên tiếp và lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 39.000 điểm sau 5 tuần khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào chính sách tiền tệ của Mỹ…

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 172,13 điểm (+0,44%) lên 39.056,39 điểm, S&P 500 mất 0,03 điểm (-0,00%) xuống 5.187,67 điểm và Nasdaq Composite giảm 29,80 điểm (-0,18%) còn 16.302,76 điểm.

Ngoài Dow Jones, các chỉ số chuẩn khác của Phố Wall giảm nhẹ khi đà tăng bị đình trệ bởi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vào ngày đấu giá trái phiếu kỳ hạn 10 năm, gây một số áp lực lên thị trường chứng khoán. S&P 500 kết thúc không thay đổi sau 4 phiên tăng điểm, còn Nasdaq Composite rơi xuống mức giảm thứ hai liên tiếp.

Trong số các lĩnh vực thuộc S&P 500, ngành tiện ích dẫn đầu với mức tăng tăng 1,1% được thúc đẩy khi cổ phiếu Vistra Corp thêm 9,1% nhờ báo cáo thu nhập khả quan. Tuy nhiên, 7 trong số 11 lĩnh vực lại giảm điểm, trong đó bất động sản, vật liệu và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực có thành quả kém nhất.

S&P 500 đã chững lại gần mốc 5.200 điểm. Trong phiên, chỉ số này đã bị cản trở do cổ phiếu Uber trượt giá vì khoản lỗ hàng quý. Nền tảng gọi xe giảm 5,7%, nằm trong số những mã bị mất giá lớn nhất trên S&P 500.

Trong khi đó, đối thủ của Uber là Lyft lại chứng kiến mức tăng 7,1% sau khi dự đoán tổng lượng đặt xe và lợi nhuận cốt lõi trong quý hiện tại cao hơn dự kiến.

Cổ phiếu Tesla trượt 1,7% sau khi Reuters đưa tin về việc các công tố viên Mỹ đang điều tra xem liệu công ty có liên quan đến tội danh gian lận chứng khoán khi đánh lừa các nhà đầu tư và người tiêu dùng về khả năng tự lái của xe điện hay không.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như Nvidia, Amazon và Alphabet mất từ 0,2% đến 1,1% do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên.

Intel mất 2,2% do cảnh báo về doanh số bán hàng bị ảnh hưởng từ việc Mỹ thu hồi một số giấy phép xuất khẩu của nhà sản xuất chip này sang Trung Quốc.

Tripadvisor lao dốc 28,7%, mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay, sau khi công ty du lịch trực tuyến công bố khoản lỗ hàng quý bất ngờ.

“Thị trường đang chờ đợi chất xúc tác tiếp theo để bắt đầu định hướng mới và có thể chúng ta sẽ có được điều đó vào tuần tới. Tôi nghĩ các nhà đầu tư đang chờ đợi đến khi họ nhận được thông tin cập nhật mới về lạm phát”, Anthony Saglimbene, giám đốc chiến lược thị trường của Ameriprise nhận xét.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 dự kiến công bố vào ngày 14/5 và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 dự kiến công bố vào ngày 15/5.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đưa ra một số phát biểu hôm thứ Tư, nhất quán với các thông điệp gần đây về định hướng lãi suất. Chủ tịch Fed Boston Susan Collins cho biết việc thiết lập chính sách tiền tệ hiện tại sẽ làm chậm nền kinh tế theo cách mà bà tin là cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Theo công cụ Fedwatch của CMEGroup, thị trường đang đặt cược 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất là 0,25 điểm phần trăm trong tháng 9.

GIÁ DẦU PHỤC HỒI NHẸ

moved-lynxmpei260kt-l-1068.jpg

Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi trong phiên 8/5 sau khi số liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước do các nhà máy lọc dầu tăng dần sản lượng trước mùa lái xe cao điểm, nhưng đồng USD mạnh hơn đã hạn chế phần nào mức tăng.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 42 cent, tương đương 0,5%, lên mức 83,58 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 61 cent, tương đương 0,8%, lên 78,99 USD/thùng.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1,4 triệu thùng xuống 459,5 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn hẳn so với mức giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trong khi dữ liệu ngành lại ước tính về mức tăng 509.000 thùng.

Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler cho rằng hoạt động lọc dầu và xuất khẩu mạnh hơn đã khuyến khích tồn kho dầu thô giảm, bù cho lượng tồn kho lớn trong tuần trước.

Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu đã tăng 1 điểm phần trăm lên 88,5% tổng công suất, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ 91% của một năm trước trước cuối tuần Ngày Tưởng niệm cuối tháng 5, cũng là khởi đầu mùa cao điểm về nhu cầu.

Đồng USD mạnh lên khi các nhà đầu tư đặt cược vào nền kinh tế Mỹ, gây áp lực lên giá dầu thô. Bởi lẽ, đồng bạc xanh mạnh hơn làm giảm nhu cầu đối với dầu bởi các hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tin liên quan