Khoản hỗ trợ 62 tỷ USD của Nhật Bản dành cho đồng yên không đạt hiệu quả như kỳ vọng

Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ với khoản chi 62 tỷ USD nhằm hỗ trợ đồng yên. Tuy nhiên, biện pháp này mới chỉ mang lại một số hiệu quả hạn chế, chưa thể duy trì sự ổn định cho đồng tiền của nước này...

Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ với khoản chi kỷ lục 9,8 nghìn tỷ yên (62 tỷ USD) trong giai đoạn từ cuối tháng 4 đến tháng 5 để thúc đẩy đồng yên.

Nhưng đồng tiền Nhật Bản vẫn tiếp tục trượt dốc về gần mức thấp nhất trong 34 năm ngay cả khi có kỳ vọng về việc lãi suất sẽ dần tăng lên. Điều này nêu bật sự khó khăn mà chính phủ Nhật Bản gặp phải trong việc ổn định tỷ giá hối đoái.

Như Bộ Tài chính Nhật Bản công bố vào 31/5, khoản chi được đưa ra từ ngày 26/4 đến 29/5, nhưng một số người tham gia thị trường lại tin rằng 62 tỷ USD chủ yếu đã được chi tiêu trong vòng 4 ngày bắt đầu từ ngày 29/4.

Với việc các biện pháp chỉ mới có hiệu ứng thoáng qua, các nhà phân tích cho rằng Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi chịu áp lực tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn trong khi nền kinh tế vẫn yếu do tiêu dùng chậm chạp.

Trong những ngày sau khi chính phủ bán từ nguồn dữ trữ ngoại tệ để mua đồng yên, yên Nhật đã tạm thời mạnh lên 151,85 yên/USD sau khi giảm xuống dưới 160 yên vào cuối tháng 4. Nhưng vào 31/5, đồng yên hiện giao dịch ở mức 157,31/USD khi các nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào khoảng cách rộng lớn giữa chi phí vay ở Nhật Bản và Mỹ.

screenshot-2024-06-01-at-100517-3621.png
Đồng yên vẫn tiếp tục trượt về mức thấp nhất trong 34 năm

Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến ​giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn, trong khi lãi suất của Nhật Bản vẫn gần bằng 0, các nhà giao dịch cho rằng đồng yên tiếp tục là loại tiền tệ ưa thích cho các “giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ" (carry trade), nơi một đồng tiền lãi suất cao sẽ được mua bằng một đồng tiền lãi suất thấp.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã đạt 1,1% vào thứ Năm - mức cao nhất kể từ tháng 7/2011. Điều này làm dấy lên kỳ vọng rằng BoJ sẽ công bố kế hoạch giảm mua nợ chính phủ khi tổ chức cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới.

Vào tháng 3, BoJ đã thực hiện một thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình khi chính thức chấm dứt 8 năm lãi suất âm. Đầu tháng này, BoJ cũng khiến thị trường ngạc nhiên khi mua một lượng nhỏ trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 5 đến 10 năm trong các hoạt động thường xuyên của mình.

Trong một bài phát biểu hồi đầu tuần, phó thống đốc BoJ Shinichi Uchida đã gửi một tín hiệu diều hâu tới các nhà đầu tư, nói rằng Nhật Bản đã gần vượt qua được hàng thập kỷ giảm phát. “Mặc dù chúng tôi vẫn còn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì kỳ vọng lạm phát ở mức 2%, nhưng cuộc chiến này đã gần đến hồi kết”, ông Uchida tuyên bố và đồng thời chỉ ra việc tăng lương và thay đổi cơ cấu đối với thị trường lao động của đất nước là do thiếu nhân công.

Nhưng trong khi các nhà đầu tư đang đặt cược rằng BoJ sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách của mình, thì những kỳ vọng đó hầu như không thể đảo ngược sự yếu kém dai dẳng của đồng yên.

Nhà kinh tế Masamichi Adachi của UBS nhận xét: “Phía Nhật Bản sẽ khó có thể đưa đồng yên lên cao hơn trừ khi các nhà đầu tư nghĩ rằng lãi suất sẽ thực sự bắt đầu tăng cao”. Điều đó có nghĩa là BoJ sẽ cần tăng lãi suất hơn 1 điểm phần trăm vào năm 2024 - tốc độ mà nhà kinh tế Adachi cho rằng không bền vững do nhu cầu trong nước yếu vì chi phí sinh hoạt cao hơn.

“BoJ đang đánh giá thấp sự yếu kém của nền kinh tế. Đó là một vấn đề nan giải”, ông Masamichi Adachi lưu ý.