Phố Wall "yên ắng" chờ đợi động thái lãi suất của Fed

Chứng khoán Mỹ đóng cửa gần như không đổi vào thứ Ba khi các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau hơn 4 năm…

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 15,90 điểm (-0,04%) xuống 41.606,18 điểm; S&P 500 nhích 1,49 điểm (+0,03%) lên 5.634,58 điểm và Nasdaq Composite tăng 35,93 điểm (+0,20%) thành 17.628,06 điểm.

Năng lượng, với đà tăng 1,41%, là lĩnh vực có thành tích tốt nhất trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P. Trong khi đó, chăm sóc sức khỏe lại hoạt động kém nhất, giảm 1,01%.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000, vốn hưởng lợi lớn từ môi trường lãi suất thấp, đã có hoạt động vượt trội hơn cả ba chỉ số chính, ghi nhận mức tăng 0,74% trong phiên.

Cổ phiếu Microsoft (+0,88%) là động lực lớn nhất cho S&P 500 khi hội đồng quản trị công ty phê duyệt chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 60 tỷ USD và tăng cổ tức hàng quý lên 10%.

Intel tăng 2,68% sau khi công ty ký hợp đồng với bộ phận dịch vụ đám mây của Amazon.com để sản xuất chip trí tuệ nhân tạo tùy chỉnh. Cổ phiếu của Amazon.com cũng leo 1,08%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,23 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,74 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày qua.

Trước đó trong phiên, chỉ số S&P 500 có thời điểm chạm mức 5.670,81 khi các dữ liệu kinh tế mới giúp xoa dịu lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng bất ngờ trong tháng 8. Trong đó, tình hình sụt giảm doanh số từ các đại lý ô tô đã phần nào được bù đắp bởi tăng trưởng trong mua sắm trực tuyến, cho thấy nền kinh tế vẫn ổn định trong phần lớn quý 3/2024.

Nhưng theo ông Russell Price, nhà kinh tế trưởng tại Ameriprise Financial Services, mức độ cắt giảm lãi suất của Fed có thể gây thêm lo ngại về lạm phát hoặc tăng nỗi sợ rằng Fed đang hành động quá chậm để ngăn chặn suy thoái kinh tế. “Những gì chúng ta thấy trong giao dịch chiều qua là thị trường rời khỏi mức cao kỷ lục ... vì có khả năng nhiều người sẽ thất vọng vào ngày mai”, ông Price lưu ý.

Thị trường đang định giá 65% khả năng Fed sẽ hạ 0,50 điểm phần trăm lãi suất vào 18/9, theo công cụ FedWatch của CME. Kỳ vọng về quy mô của đợt cắt giảm đã biến động trong những ngày gần đây, với chỉ 34% đặt cược vào mức giảm 0,50 điểm phần trăm vào tuần trước.

GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ ĐI LÊN

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng 1 USD/thùng khi nguy cơ gián đoạn nguồn cung và các nhà giao dịch kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi nếu Fed giảm lãi suất đúng như dự đoán.

Cả hai hợp đồng đều chốt phiên ở mức cao nhất trong tháng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,10 USD, tương đương 1,6%, lên 71,41 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 95 cent, tương đương 1,3%, để chốt ở mức 73,70 USD/thùng.

Hơn 12% sản lượng dầu thô từ Vịnh Mexico của Mỹ đã bị ảnh hưởng sau cơn bão Francine, đẩy giá dầu tăng cao trong 4 phiên gần đây, thúc đẩy sự phục hồi sau khi giá dầu Brent chạm mức thấp nhất trong gần 3 năm vào thứ Ba tuần trước.

Các nhà phân tích tại AEGIS Hedging còn chỉ ra rằng, giá dầu được đẩy lên cao một phần vì căng thẳng ở Trung Đông, khi sản lượng và xuất khẩu dầu của Libya giảm vì cuộc tranh chấp quyền kiểm soát ngân hàng trung ương giữa các phe phái đối lập.