S&P 500 vượt đỉnh lịch sử, giá dầu giữ mức cao nhất trong 1 tuần

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào thứ Tư, với S&P 500 ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục khi các nhà đầu tư phân tích biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng như kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump…

Kết thúc phiên 19/2, chỉ số Dow Jones thêm 71,25 điểm (+0,16%) lên 44.627,59 điểm, S&P 500 tăng 14,57 điểm (+0,24%) đạt 6.144,15 điểm và Nasdaq Composite nhích 14,99 điểm (+0,07%) thành 20.056,25 điểm.

Trong 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, lĩnh vực y tế có đà tăng mạnh nhất, trong khi vật liệu và tài chính tụt lại phía sau.

Cổ phiếu ngành nhà ở (housing) mất 1,5% sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết số lượng nhà mới khởi công trượt giảm 9,8% trong tháng 1 do nhu cầu yếu, lãi suất thế chấp cao và thời tiết lạnh bất thường.

Cổ phiếu của Nikola, hãng sản xuất xe tải điện, lao dốc 39,1% vì thông tin công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11. Công ty hóa chất Celanese giảm mạnh 21,5% do báo lỗ quý 4. Cổ phiếu Shift4 cũng mất tới 17,5% sau báo cáo lợi nhuận quý và thông tin công ty đồng ý mua lại Global Blue trong thương vụ trị giá 2,5 tỷ USD.

Ngược lại, cổ phiếu của Global Blue tăng 17,5%.

Analog Devices cũng thêm 9,7% nhờ có báo cáo lợi nhuận và doanh thu quý vượt kỳ vọng.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý 4/2024 sắp kết thúc, với 74% công ty thuộc S&P 500 công bố kết quả tốt hơn kỳ vọng, theo LSEG. Các nhà phân tích hiện dự báo lợi nhuận quý 4 của S&P 500 sẽ tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 9,6% hồi đầu năm.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 16,36 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 15,57 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, biên bản cuộc họp chính sách tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách lo ngại về lạm phát dai dẳng và tác động tiềm tàng từ loạt đề xuất chính sách của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt về thuế quan, đối với nỗ lực kéo giá cả về mức mục tiêu.

"Biên bản có đề cập đến khả năng nền kinh tế có thể chậm lại. Điều đó khiến nhà đầu tư kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ phải sớm cắt giảm lãi suất. Khả năng này vẫn còn để ngỏ. Dù vậy, Fed vẫn chưa sẵn sàng hành động cho đến khi có cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách thuế quan”, ông Paul Nolte, cố vấn tài chính cấp cao và chiến lược gia thị trường tại Murphy & Sylvest nhận định.

Vào đầu tuần này, ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế khoảng 25% đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đây mới chỉ là một lời đe doạ mang tính chiến thuật để mang đến lợi thế trong đàm phán, chứ chưa phải là một “đòn giáng” thực sự.

GIÁ DẦU DUY TRÌ MỨC CAO

Trên thị trường năng lượng, giá dầu ghi nhận mức cao nhất trong một tuần do có các lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại Nga và Mỹ, trong khi thị trường chờ đợi thông tin về các lệnh trừng phạt khi Washington đang nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến tranh tại Ukraine.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 20 cent, tương đương 0,3%, lên 76,04 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ WTI tăng 40 cent, tương đương 0,6%, lên 72,25 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu thô kể từ ngày 11/2.

"Thị trường đang cân nhắc ba yếu tố hỗ trợ giá: Nga, Iran và OPEC," Aldo Spanjer, chiến lược gia hàng hóa tại BNP Paribas cho biết.

Tại Mỹ, thời tiết lạnh giá cũng làm ảnh hưởng tới nguồn cung dầu. Cơ quan Đường ống Bắc Dakota ước tính sản lượng tại bang này có thể giảm tới 150.000 thùng/ngày.

Ngoài ra, có suy đoán rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh như Nga và Kazakhstan có thể trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 4, theo tiết lộ của nhà phân tích thị trường tại IG, ông Tony Sycamore.

Tin liên quan