Bộ Công Thương khiến EVN 'gánh' hơn 1.400 tỷ đồng, phê duyệt không có căn cứ cho hàng trăm dự án điện mặt trời

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra loạt khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII...

Bộ Công Thương khiến EVN 'gánh' hơn 1.400 tỷ đồng, phê duyệt không có căn cứ cho hàng trăm dự án điện mặt trời

Ngày 25/12, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

EVN LỖ NẶNG NHƯNG VẪN PHẢI MUA ĐIỆN GIÁ CAO

Theo Nghị quyết 115 năm 2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đồng ý tỉnh này được hưởng chính sách giá điện ngưỡng 9,35 UScent/kWh theo Quyết định 11 năm 2017 đến hết năm 2020 với tổng công suất điện mặt trời là 2.000 MW.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã tham mưu mở rộng đối tượng là các dự án đã có trong quy hoạch và các dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch sau thời điểm ban hành Nghị quyết 115.

Dẫn đến, 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng. Từ năm 2020 tính đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115.

"Điều này trái với nội dung Nghị quyết 115 và kết luận của Thủ tướng tại Thông báo ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ", Thanh tra chính phủ nêu và xác định trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương với vai trò chủ trì tham mưu.

Các dự án gồm Hacom Solar, điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1, Thuận Nam Đức Long, Thiên Tân Solar Ninh Thuận, Phước Ninh, Sơn Mỹ 2, Sơn Mỹ, Solar Farm Nhơn Hải, Bầu Zôn, Thuận Nam 12, SP Infra 1, Adani Phước Minh, Hồ Bầu Ngứ và dự án điện mặt trời 450MW kết hợp trạm 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV.

Bộ Công Thương khiến EVN 'gánh' hơn 1.400 tỷ đồng, phê duyệt không có căn cứ cho hàng trăm dự án điện mặt trời 2
14 dự án đang được hưởng giá ưu đãi (FIT) không đúng

Sau khi giá FIT theo Quyết định 11 hết hiệu lực, Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 13 năm 2020. Tuy nhiên, điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá ưu đãi (FIT) ngưỡng 7,09 UScent/kWh (khoản 1 Điều 5) theo Quyết định 13 được Bộ Công Thương tham mưu không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ.

Chính phủ chỉ đạo "xem xét ban hành biểu giá FIT áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020; Đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh...

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã nêu lý do rằng không có cơ sở khi cho rằng các quyết định, thông tư về điện mặt trời hết hiệu lực nên chưa có cơ sở để EVN ký hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư, không tiếp thu triệt để ý kiến xác đáng của EVN (tại văn bản 6774/EVN ngày 12/12/2019).

Từ đó, Bộ tham mưu theo hướng mở rộng dự án bằng việc cho dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh. Vi phạm này của Bộ Công Thương cũng dẫn đến việc 14 dự án được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh không đúng đối tượng...

PHÁ VỠ QUY HOẠCH ĐIỆN

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, 92 dự án với tổng công suất 3.194 MW phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào quy hoạch phát triển điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư. Có tới 15 trong số 23 tỉnh nêu trên không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố. Do đó, việc phê duyệt các dự án này là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Vẫn theo cơ quan thanh tra, tổng công suất nguồn điện mặt trời đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 850 MW. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư, trong khi không lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020 theo yêu cầu tại Quyết định 11/2017 của Thủ tướng. Vì vậy, việc phê duyệt 54 dự án này cũng không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới đã đầu tư thực tế là 8.642 MW, cao gấp 10,2 lần so với công suất đến năm 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến năm 2025 (4.000 MW).

Ngoài ra, nguồn điện mặt trời mái nhà cũng đã được đầu tư nhanh với công suất lớn (7.864 MW), nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Kết quả thanh tra cho thấy, Bộ Công thương đã ban hành và tham mưu ban hành một số văn bản có sơ hở, bất cập. Điển hình là Văn bản số 7088/BCT-ĐL hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà, trong đó có nội dung hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng dự án nhưng không được gộp các hợp đồng mua bán hệ thống điện mặt trời mái nhà thành một hợp đồng.

Điều này không những không có tác dụng trong quản lý mà còn dẫn tới nguy cơ lợi dụng chính sách để đầu tư các hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình trang trại, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... nhưng vẫn được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư như hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Tiếp tục chỉ ra các vi phạm, Thanh tra Chính phủ nhận định việc đầu tư nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí đã không hoàn thành theo quy hoạch (chỉ đạt 82%); trong khi đó nguồn điện mặt trời đã đầu tư, vận hành đến cuối năm 2020 lên tới 16.506 MW, tính riêng công suất nguồn điện mặt trời nối lưới là 8.642 MW như đã nêu.

Đáng chú ý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không hoàn thành việc đầu tư lưới điện theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là việc đầu tư đường dây chỉ đạt tỷ lệ thấp (đường dây 500 KV đạt 58,55%, đường dây 220 KV đạt 52,97%), trạm biến áp 500 KV đạt 87,07%, trạm biến áp 220 KV đạt 92,63%, nhiều dự án chậm tiến độ.

Theo cơ quan thanh tra, việc đầu tư nguồn nhiệt điện than và khí không hoàn thành theo quy hoạch, nhất là việc đầu tư đường dây đạt tỷ lệ thấp, nhưng tổng công suất đặt các nguồn điện đã đầu tư lại tăng 15,57% so với quy hoạch.

Nguồn điện mặt trời nối lưới đầu tư tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây nguyên, dẫn đến mất cân bằng hệ thống điện giữa nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện, vùng miền; gây quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất, không đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của hệ thống điện; phá vỡ Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Chưa kể, còn có 6 dự án/phần dự án với tổng công suất 452,62 MW đã đầu tư hoàn thành nhưng chưa được vận hành thương mại (tổng chi phí đầu tư khoảng 10.388 tỷ đồng); 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 321,4 MW các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị/ký hợp đồng EPC, hợp đồng thuê đất/giao đất (tổng số tiền đã chi khoảng 1.496 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư phát triển điện lực.

Từ những căn cứ đã nêu, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ và Bộ Công an đã tiếp nhận về 8 vụ việc có liên quan đến nội dung kết luận thanh tra. Trong số này, có việc Bộ Công thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Vi phạm thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.