Các hiệp hội chăn nuôi kêu cứu

Các hiệp hội doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị bỏ những quy định đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo pháp luật hiện hành, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y thuộc ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Do đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh những sản phẩm này phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định để cấp giấy chứng nhận và duy trì đánh giá, giám sát hàng năm.

Ngoài ra, theo văn bản kiến nghị của Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, sẽ có nhiều đợt thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của những đơn vị địa phương.

Tiếp nhận kiểm tra, giám sát thường xuyên, dày đặc như vậy nhưng doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y vẫn phải thực hiện đánh giá công bố hợp quy, tức là đánh giá điều kiện và quy trình sản xuất thông qua lấy mẫu để xét nghiệm.

Các hiệp hội này cho biết hoạt động hợp quy rất tốn kém, chi phí trung bình khoảng 2 – 4 triệu đồng/lần đối với một sản phẩm thức ăn chăn nuôi và 10 – 20 triệu đồng/lần đối với sản phẩm vaccine thú y.

Đánh giá công bố hợp quy sẽ phải thực hiện lại sau khi kết thúc chu kỳ sản phẩm là ba năm.

Như vậy, đối với những doanh nghiệp có vài trăm sản phẩm khác nhau, hàng ngàn cơ sở sản xuất, chi phí tuân thủ có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể những chi phí phát sinh khi doanh nghiệp mất thời gian, công sức để đáp ứng việc thực thi quy định của pháp luật.

Vừa tốn thời gian, tiền của, vừa chồng chéo và không cần thiết, các hiệp hội thuộc lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị tạm ngừng quy định công bố hợp quy theo Luật Thú y và Luật Chăn nuôi, tiến đến chỉnh sửa quy định này trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, nhóm các hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội không áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm chăn nuôi chưa qua chế biến.

Theo quy định của pháp luật, các sản phẩm chăn nuôi chưa qua chế biến như trứng gia cầm, thịt gia súc nếu được doanh nghiệp bán cho người dân và hộ kinh doanh cá thể sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng 5%.

Theo các hiệp hội, phần lớn sản phẩm chăn nuôi chưa chế biến đang được tiêu thụ tại chợ truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể.

Doanh nghiệp sơ chế sản phẩm chăn nuôi đã phải tiêu tốn nhiều chi phí hơn so với sơ chế thủ công bởi phải đảm bảo các quy định phòng ngừa rủi ro dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu gánh thêm 5% thuế nữa thì “không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm chăn nuôi trôi nổi không được kiểm soát chất lượng”.

Nhóm các hiệp hội chăn nuôi nhấn mạnh, khâu sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi là mắt xích yếu nhất của chuỗi giá trị ngành này bởi chưa kiểm soát được giết mổ thủ công. Nhiều doanh nghiệp như Dabaco, Vissan, Masan, CP đã mạnh dạn đầu tư lớn cho việc sơ chế, chế biến nhưng chỉ hoạt động được 30% công suất.

Gỡ bỏ quy định 5% thuế giá trị gia tăng sẽ là trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, trong khi nếu áp dụng thì “Nhà nước cũng không thu về được là bao nhiêu đối với dòng thuế này”, các hiệp hội nhấn mạnh trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Một kiến nghị khác được các hiệp hội đưa ra là kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm nhập khẩu. Theo các hiệp hội, quy định nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn chưa chặt chẽ, trong khi các quốc gia khác có rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt.

Số liệu năm 2023 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi lên đến hơn 3,5 tỷ USD, chưa tính các sản phẩm nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu, trong khi xuất khẩu chăn nuôi chỉ đạt hơn 500 nghìn USD.

Dự kiến, trong 3 – 5 năm tới, các dòng thuế quan nhập khẩu với sản phẩm chăn nuôi sẽ về mức 0%. Các hiệp hội cảnh báo, nếu không có chính sách kịp thời, Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, doanh nghiệp và nông dân không thể nào thích ứng nổi.

Các quy định nhập khẩu lỏng lẻo, chưa chặt chẽ không chỉ khiến doanh nghiệp chăn nuôi Việt mất khả năng cạnh tranh mà còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, gây ra những thiệt hại, rủi ro lớn cho doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng.

Văn bản kiến nghị của các hiệp hội nêu rõ, tác động kép của Covid-19, xung đột vũ trang trên thế giới, giá vật tư đầu vào tăng cao, giá đầu ra ở mức thấp, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp là những khó khăn ngành chăn nuôi phải đối mặt.

Những khó khăn này đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành bị thua lỗ kéo dài và có thể phá sản hàng loạt.

Do đó, tháo gỡ những bất cập này là biện pháp thiết thực để hỗ trợ ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, củng cố niềm tin, động lực cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, các hiệp hội nhấn mạnh.

Tin liên quan