Nhu cầu xuất khẩu ca cao tại Việt Nam ngày càng tăng lên nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất sô cô la và thực phẩm chế biến từ ca cao. Sản phẩm ca cao Việt Nam đã nổi tiếng với chất lượng cao, hương vị tuyệt vời và giá trị dinh dưỡng. Đặc biệt, ca cao được trồng ở các vùng đất cao cấp như Lâm Đồng và Đắk Lắk, với khí hậu và đất đai lý tưởng cho cây ca cao phát triển.
Bắc Âu là một khu vực nhập khẩu ca cao nhỏ ở châu Âu. Năm 2022, tổng nhập khẩu hạt ca cao của Bắc Âu đạt 1,44 tỷ USD. Trong đó Thụy Điển nhập khẩu nhiều nhất, đạt 561,52 triệu USD, tiếp theo là Đan Mạch nhập khẩu 389,63 USD.
Nhập khẩu ca cao năm 2022 của khu vực Bắc Âu tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,25%/năm. Hầu hết hạt ca cao vào Bắc Âu qua các nước láng giềng. Hàng nhập khẩu trực tiếp hầu hết được thông quan vào các cảng Oslo (Na Uy), Aarhus (Đan Mạch), Gäyle hoặc Stockholm (Thụy Điển).
Nếu muốn tiếp cận thị trường hạt ca cao tại thị trường Bắc Âu, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của người mua. Những tiêu chuẩn chất lượng này đặc biệt cao trong phân khúc đặc sản dành cho hạt ca cao hương vị hảo hạng.
Người mua ở Bắc Âu và các nơi khác hiện đang đánh giá chất lượng và hương vị của hạt ca cao theo những cách khác nhau và thường sử dụng kết hợp hai hoặc nhiều phương pháp. Hướng dẫn Hạt ca cao: Yêu cầu chất lượng của ngành công nghiệp socola và ca cao đưa ra các khuyến nghị về trồng ca cao, thực hành sau thu hoạch và các phương pháp đánh giá chất lượng góp phần tạo nên chất lượng ca cao.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý muốn vào thị trường Bắc Âu, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm còn phải tuân thủ rất nhiều các qui định của thị trường.
Nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến xuất khẩu ca cao.
Để tránh nguy cơ bị trả lại hoặc bị từ chối tiếp cận thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu ca cao Việt Nam nên gửi các sản phẩm xuất khẩu để phân tích các chất cấm tại các cơ quan có thẩm quyền.
Các nguy cơ vượt ngưỡng các chất cấm có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hành tốt hơn việc trồng, sấy, chế biến và bảo quản và áp dụng có hiệu quả các hành động được đề cập với các đối tác chuỗi cung ứng. Cần đảm bảo sản phẩm được kiểm soát nhất quán trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng.
Đáp ứng các yêu cầu bổ sung
Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường có thể được hiểu là yêu cầu tối thiểu, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ.
Xu hướng sản xuất và kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải… Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững.
Phát triển thị trường ngách
Như đã phân tích ở trên, mặc dù là thị trường nhỏ và ổn định, nhưng phân khúc ca cao đặc sản, hữu cơ, phát triển bền vững đang bắt đầu nổi lên và nhu cầu ngày càng gia tăng. Trong thị trường đặc sản, cạnh tranh về chất lượng và mối quan hệ lâu dài, chứ không phải về giá cả. Các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Ví dụ về các nhà xuất khẩu ca cao hữu cơ được chứng nhận đã thâm nhập thành công vào thị trường châu Âu bao gồm El Ceibo (Bolivia), Grupo Conacado (Cộng hòa Dominica), Cooperativa Norandino (Peru), Fedecovera (Guatemala) và Ingemann (Nicaragua).
Xây dựng thương hiệu nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng
Xây dựng thương hiệu và kể chuyện về sản phẩm là những công cụ cần thiết để hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm cho thị trường ngách.
Kể chuyện ngày càng quan trọng trên thị trường ca cao và socola. Kể chuyện đã được liệt kê là một xu hướng chủ đạo mới và có tác động lớn đến thị trường socola. Người tiêu dùng muốn biết câu chuyện đằng sau một sản phẩm. Điều này cũng liên quan đến tầm quan trọng ngày càng tăng của nguồn gốc ca cao, vốn cần được hỗ trợ bằng các câu chuyện, tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc. Một ví dụ là thương hiệu Ethquable, sử dụng bao bì của mình để kể câu chuyện về các nhà sản xuất ca cao và hợp tác xã cũng như nguồn gốc của ca cao.
Nói chung, một câu chuyện hay sẽ giúp tiếp thị sản phẩm tốt hơn. Bằng cách kể một câu chuyện hấp dẫn, có thể kết nối người tiêu dùng với nguồn gốc của ca cao và nhà sản xuất, tăng thêm giá trị cho sản phẩm socola cuối cùng.
Đảm bảo chia sẻ câu chuyện cho nhiều đối tượng hơn, chẳng hạn như thông qua mạng xã hội và/hoặc trang web. Thông tin phải chính xác, cập nhật, rõ ràng và hấp dẫn. Khi nói về lịch sử của trang trại hoặc hợp tác xã, hãy tạo một bộ mặt cho câu chuyện bằng cách cung cấp những bức ảnh chất lượng tốt về các đồn điền, nông dân và gia đình của họ.
Các ví dụ khác về các công ty xuất khẩu chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn về công ty và lịch sử bao gồm Xoco Gourmet (Honduras), Kokoa Kamilia (Tanzania), Rizek Cacao (Cộng hòa Dominica), Esco Kivu (CHDC Congo) và Ingemann (Nicaragua).
Thích ứng với văn hóa kinh doanh của người Bắc Âu
Người Bắc Âu coi đúng giờ là điều hoàn toàn cần thiết. Do đó, hãy nhất quán, đúng giờ, đáng tin cậy và trung thực. Điều đó có nghĩa là trả lời kịp thời các câu hỏi (trong vòng 48 giờ), cởi mở và thực tế, cũng như không đưa ra những lời hứa có thể không được thực hiện.
Người mua Bắc Âu sẽ đánh giá rất cao nếu các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư vào truyền thông chuyên nghiệp, chẳng hạn như một trang web tốt, tài liệu quảng cáo của công ty, thông số sản phẩm và danh thiếp. Các phương pháp giao tiếp hiện đại (miễn phí) để giữ liên lạc với người mua của họ, ví dụ như.LinkedIn, Skype và Facebook, được biết đến rộng rãi và ngày càng được chấp nhận như các công cụ quảng cáo (bổ sung)…
Chuyển đổi kỹ thuật số
Tất cả các nhà xuất khẩu ca cao được yêu cầu thu thập thông tin chi tiết về hoạt động của họ. Do đó, số hóa và các công cụ khác là rất quan trọng. Để chứng minh rằng ca cao không đến từ khu vực có nạn phá rừng, có thể phải ghi lại tọa độ địa lý của trang trại hoặc đồn điền ca cao. Một cách khác có thể làm là thông qua bản đồ đa giác GPS. Lập bản đồ đa giác GPS theo dõi toàn bộ chu vi của một trang trại, giúp tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, hãy tìm kiếm các chương trình hợp tác mới giúp chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp bền vững hơn. Là một phần của EGD, EU đang bắt đầu các dự án để hỗ trợ các chính sách và hành động mới của mình.
Tham gia các hội chợ chuyên ngành
Tham dự các hội chợ thương mại và sự kiện về ca cap để tìm người mua phù hợp với triết lý kinh doanh và năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp về chất lượng, khối lượng và các chứng chỉ.
Không có nhiều hội chợ lớn được tổ chức tại khu vực Bắc Âu, chỉ có Lễ hội socola ở Copenhagen và Lễ hội Bánh ngọt & socola được tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh các sản phẩm chất lượng cao.
Các doanh nghiệp kinh doanh ca cao Bắc Âu thường tham dự các hội chợ chuyên ngành ở khu vực châu Âu để tìm kiếm nhà cung cấp.
Thanh An