Giá cước vận tải biển tăng dựng đứng

Dự kiến giá cước vận tải hàng hóa sẽ tiếp tục neo cao trong thời gian tới do nhiều yếu tố.

Công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải độc lập Drewry trong đánh giá mới nhất dự báo, giá container từ Trung Quốc đi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do bắt đầu mùa cao điểm sớm.

Đồng quan điểm, Intermodal – công ty môi giới tàu cũng cho rằng, áp lực lên mạng lưới tuyến và sự sẵn có của container vẫn cao nếu nhu cầu vượt quá dự báo, đặc biệt khi mùa cao điểm thường niên đang đến gần.

Căng thẳng địa chính trị và các gián đoạn trong vận hành đang diễn ra cũng có khả năng kéo dài, góp phần vào sự không chắc chắn của thị trường.

Giá cước container dự kiến tiếp tục tăng
Áp lực lên mạng lưới tuyến và sự sẵn có của container vẫn cao. Ảnh: Hoàng Anh

Theo CTCP Chứng khoán Tiên Phong trong phân tích về triển vọng ngành cảng và vận tải biển, cước vận tải sẽ duy trì ở ngưỡng cao.

Nguyên nhân là bởi xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi lực lượng Houthi trong thời gian gần đây liên tục tuyên bố mở rộng phạm vi tấn công ra khu vực biển Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, gây thêm áp lực cho ngành vận tải biển.

Cùng với đó, nhu cầu hàng hóa phục hồi, giá cước thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm hai quý cuối.

Không chỉ vậy, dấu hiệu thiếu container tại các cảng xuất lớn xuất hiện, gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm.

Tuy vậy, đơn vị này đánh giá vẫn có các yếu tố giúp hạ nhiệt giá cước trong giai đoạn tới nhờ kỳ vọng mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 11).

Đồng thời, hiện tượng La Nina cũng sẽ quay trở lại, điều này khiến các tàu hàng tránh đi qua khu vực xung đột, rút ngắn thời gian từ châu Á – EU, tạo điều kiện cho giá cước hạ nhiệt.

Giá cước neo ở mức cao

Trong tuần đầu tháng này, cước vận chuyển container tiếp tục tăng giữa bối cảnh tắc nghẽn và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đơn cử, dữ liệu từ Xeneta – nền tảng phân tích giá cước vận tải đường biển và đường hàng không cho biết, giá cước vận chuyển từ châu Á tới bờ Tây Bắc Mỹ trong tuần đầu tháng này đã tăng tới gần 60% so với tháng trước.

Trong khi đó, giá cước vận chuyển từ châu Á tới Bắc Âu tăng hơn 50%.

Giám đốc của Maersk – tập đoàn vận tải biển lớn thứ hai thế giới trong cuộc trò chuyện với tờ Financial Times gần đây cũng cho biết, chi phí vận chuyển đã gần như tăng thẳng đứng trong tháng trước khi tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng tại các cảng châu Á và Trung Đông và nhiều khách hàng muốn đưa hàng hóa đi sớm hơn bình thường.

Theo Hiệp hội Đại lí và môi giới hàng hải Việt Nam, sự gián đoạn do tắc nghẽn tại cảng và tình trạng thiếu thiết bị container tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung tàu hiện có đã thắt chặt đáng kể thị trường vận chuyển container giao ngay.

Tắc nghẽn tại các cảng trung tâm ở một số cảng xung quanh Vương quốc Anh, Địa Trung Hải và Đông Nam Á đã xuất hiện.

Nguyên nhân là bởi thời gian lưu trú tàu chính kéo dài để chuyển hàng, mật độ bãi container cao khi các cảng xử lý hàng hóa để vận chuyển tới các khu vực bị ảnh hưởng từ việc chuyển hướng.

Đồng thời, việc chuyển hướng và tắc nghẽn tại cảng đã làm gián đoạn dòng chảy của thiết bị container quay lại châu Á, dẫn tới các chuyến tàu xuất phát từ Trung Quốc ít hơn.

CTCP Chứng khoán Tiên Phong nhận định, chỉ số giá cước container toàn cầu đảo chiều mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm ngoái - đầu năm nay xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Trước hết là do xung đột giữa Israel – Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái, kéo theo các cuộc tấn công vào tàu hàng của Lực lượng Houthi trên Biển Đỏ từ cuối năm ngoái.

Cùng với đó, kênh đào Panama đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất trong 50 năm do ảnh hưởng từ El Nino, khiến kênh đào phải giảm lưu lượng tàu qua lại.

Không chỉ vậy, tần xuất thiếu container rỗng ngày càng nhiều cũng làm tăng chỉ số giá cước.

Đến hiện tại, giá cước vẫn neo cao ở mức hơn 50% so với tháng 4 và gấp rưỡi mức của cuối năm ngoái khi lực lượng Houthi tiếp tục tuyên bố mở rộng vùng tấn công sang khu vực biển Ấn Độ Dương và biển Địa Trung Hải cùng với tình trạng hạn hán tại kênh đào Panama chưa được cải thiện. 

Tin liên quan