Giải bài toán nguyên phụ liệu dệt may

Ngành dệt may Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 5% nửa đầu năm nay. Nhưng nỗi lo về nguyên phụ liệu sẽ tác động không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành.

Sau hơn 20 năm với nhiều quyết tâm để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của lĩnh vực dệt may, năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do lớn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực thi, những yêu cầu về xuất xứ nguyên phụ liệu đối với bất kỳ sản phẩm may mặc nào đều trở thành áp lực.

Nỗi lo lớn dần

Điều hành doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt kim, ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc Điều hành Tổng Công ty May Đáp Cầu đánh giá, thuế suất ưu đãi mà các hiệp định thương mại mang lại rõ ràng là một lợi ích lớn để các doanh nghiệp có thể tăng năng lực sản xuất, gia tăng khả năng đáp ứng đơn hàng. Nhưng cái khó hiện nay là nguồn cung nguyên liệu trong nước lại chỉ đáp ứng được phần nào, trong khi đó doanh nghiệp phải loay hoay với bài toán nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài.

"Chúng tôi rất cố gắng để tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới nhưng không thể làm ngay được. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nhà cung cấp về nguyên phụ liệu so với trước đây, nhưng với mặt hàng đặc thù là dệt kim thì hầu hết phải là những nhà cung cấp nước ngoài mới có đủ năng lực và cạnh tranh được về giá để chúng tôi sản xuất", ông Nguyễn Đức Thăng bày tỏ.

Cùng chung quan điểm này, bà Trần Thị Phương Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP May Chiến Thắng cho biết, vấn đề nguyên liệu đang là cản trở rất lớn để ngành dệt may phát triển bền vững và tận dụng lợi thế từ các FTA. Doanh nghiệp luôn mong muốn tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước nhưng gặp không ít khó khăn.

Theo bà Phương Anh: "Hiện cố gắng lắm chúng tôi có thể đáp ứng được khoảng từ 60 - 70% nguồn nguyên liệu trong nước, bởi phần lớn bị hạn chế cả về số lượng và chất lượng nguồn cung . Sau nhiều năm chúng ta quyết tâm đầu tư cho phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may nhưng thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu".

Dệt may là một trong những ngành nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao những năm qua. Đặc biệt, trải qua một giai đoạn không ít khó khăn, ngành đang từng bước phục hồi với mức tăng trưởng rất tích cực trong 6 tháng đầu năm nay: Xuất khẩu tăng 5% so cùng kỳ năm trước, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 10… Với đà tăng này, nhiều chuyên gia rất kỳ vọng vào việc đạt được mục tiêu 44 tỷ USD cho cả năm nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt với những thách thức từ các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, các mặt hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi. Trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may còn rất hạn chế, đòi hỏi những giải pháp nhanh và hiệu quả hơn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đánh giá, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có quy định về quy tắc xuất xứ và yêu cầu sản phẩm may phải hoàn thiện từ vải trở đi. Đây là thời điểm mà chúng ta cần nhìn nhận rõ và phải có quyết tâm để vượt qua điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng bằng việc hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành. Từ đó mới có cơ sở hình thành chuỗi cung ứng của ngành dệt may một cách tương đối đầy đủ ngay tại Việt Nam.

Giải bài toán nguyên phụ liệu dệt may ảnh 1

Ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may đang còn rất nhiều hạn chế. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cơ chế đã có, doanh nghiệp vẫn loay hoay

Trong khi những doanh nghiệp dệt may loay hoay tìm kiếm nhà cung cấp tại thị trường trong nước thì có những doanh nghiệp nguyên phụ liệu trong nước thiếu nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất. Bài toán tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách vẫn chưa có lời giải.

Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước - Viramie là dự án gắn trồng trọt với chế biến, gắn nông nghiệp với công nghiệp sản xuất sợi. Công suất của nhà máy có thể đạt 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với 1.700 tấn sợi gai/năm và 1.400 tấn bông gai/năm. Sau 5 năm đi vào hoạt động, nhà máy này vẫn chỉ hoạt động cầm chừng mà chưa thể vận hành đủ 100% công suất. Lý do mà đại diện doanh nghiệp đưa ra là do thiếu nguồn vốn và các cơ chế, chính sách hỗ trợ để mở rộng vùng trồng nguyên liệu cho sản xuất.

“Nhu cầu thị trường nguyên phụ liệu rất lớn, không chỉ trong nước. Chúng tôi làm ra đến đâu đều hết đến đó, thậm chí cung không đủ cầu. Nhưng cái khó là doanh nghiệp đều vẫn đang tự mình mày mò làm và cũng rất khó để tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi” , bà Đỗ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phước - Viramie cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2022, định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc triển khai Chiến lược vẫn khá chậm chạp.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, Việt Nam đã ký kết 17 - 19 hiệp định thương mại tự do, mà trong các hiệp định thương mại này có rất nhiều hiệp định đòi hỏi sản phẩm dệt may nước ta phải hoàn tất từ sợi đến dệt, nhuộm... Đây là một thách thức rất lớn. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may thì chúng ta phải sớm triển khai đầu tư phát triển lĩnh vực dệt, nhuộm để đáp ứng yêu cầu.

PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ dệt may nói riêng đang còn rất nhiều hạn chế.

Theo ông Lạng, hiện việc phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may có thể nói là đang bị “bỏ trống” khi có đến 80% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu. Con số hơn 2 tỷ USD mà các doanh nghiệp phải chi ra mỗi tháng để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày… cho thấy "miếng bánh" thị trường rất lớn. Chưa kể, việc chưa tự chủ được phần nguyên phụ liệu đã ảnh hưởng rất nhiều đến lợi thế về giá của sản phẩm khi xuất khẩu.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chính với các quy định hiện hành cũng như tâm lý lo ngại ô nhiễm môi trường ở một số địa phương đã khiến cho việc triển khai các dự án dệt, nhuộm ở địa phương khó phát triển. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù rất muốn nhưng không thể đầu tư do vướng các rào cản tâm lý nói trên, chưa kể các thiếu hụt khác về đầu tư từ chính các địa phương như chính sách hỗ trợ về công nghệ, đất đai, cơ chế. Nếu không sớm giải các bài toán này, việc tăng khả năng cạnh tranh cho ngành dệt may sẽ là vấn đề trong thời gian tới khi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công gia tăng cũng như các quy định về "xanh hóa" dệt may được nhiều quốc gia áp dụng.

Tin liên quan