Temu đã chuẩn bị những gì để đưa “cơn lốc màu da cam” tràn vào thị trường Việt Nam?

Trước khi chính thức bước vào thị trường Việt Nam, Temu đã “làm mưa, làm gió” tại thị trường của nhiều quốc gia với những chính sách độc nhất, khiến các đối thủ cạnh tranh không khỏi dè chừng…
Temu âm thầm vào thị trường Việt Nam với sức "công phá" mạnh mẽ

Trong bối cảnh các “ông lớn” sàn thương mại điện tử vẫn đang cạnh tranh khốc liệt trên chặng đua thị trường Việt Nam, Temu sẵn sàng bước vào và mang đến một làn sóng bán hàng online giá rẻ với tâm thế của một “người chơi” mới cùng nhiều chiến lược cạnh tranh mới.

NHỮNG CHIẾN LƯỢC CÓ THỂ LÀM THAY ĐỔI CỤC DIỆN

Những ngày qua, thông tin sàn bán hàng online giá rẻ xuyên biên giới Temu đến từ Trung Quốc đã âm thầm ra mắt tại Việt Nam khiến người tiêu dùng rất hào hứng. Trong khi người tiêu dùng được hưởng lợi từ những chiến lược cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử, thì điều này cũng trở thành nỗi lo cũng những “ông lớn” khi các tân binh mang đến luồng gió mới có nhiều sức hút hơn.

Xuất hiện tại thị trường khó tính với hàng giá rẻ như Mỹ, nhưng Temu đã mang đến mô hình kinh doanh độc đáo, kết hợp giữa bán hàng trực tiếp từ nhà máy và giá cả siêu cạnh tranh, đã giúp Temu nhanh chóng tạo dựng được vị thế. Khẩu hiệu "mua sắm như tỷ phú" đã khẳng định cam kết mang đến những sản phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.

Thông tin từ công ty nghiên cứu Momentum Works, tại Việt Nam, Temu chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không có ví điện tử địa phương); và chỉ có 2 đơn vị logistics là Ninja Van và Best Express tham gia vận chuyển. Việc ấn định hai đơn vị vận chuyển cũng là ý đồ của Temu khi muốn tập trung vào tốc độ giao hàng đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Các sản phẩm được mua qua sàn Temu sẽ được vận chuyển trực tiếp từ kho Trung quốc về Việt Nam chỉ trong 4 - 7 ngày, nhanh hơn nhiều so với thời gian vận chuyển tại thị trường Malaysia và Philippines bởi con đường vận chuyển bằng đường bộ dễ dàng từ Quảng Châu đến Việt Nam.

Thực tế chiến lược này của Temu đã thành công, bằng cách loại bỏ các khâu trung gian và bán hàng trực tiếp từ nhà máy, Temu đã tạo ra một mô hình kinh doanh tối ưu, giúp giảm thiểu chi phí và đưa ra thị trường những sản phẩm có giá thành cực kỳ cạnh tranh. Nhờ đó, Temu đã nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, thâm nhập vào 79 quốc gia và trở thành một đối thủ đáng gờm trên thị trường quốc tế.

Giá cả cạnh tranh cũng đang là lợi thế của Temu, nhiều nghiên cứu thị trường đã khẳng định một số sản phẩm bán trên sàn Temu có giá rẻ hơn các sàn thương mại khác. Điều này được lý giải là hầu hết các nhà cung cấp trên Temu đều là cửa hàng sản xuất trực tiếp bán hàng hóa sản xuất hàng loạt với mức giá thấp hơn trong khi các sàn khác chủ yếu là các nhà phân phối độc lập.

Theo Jiayu Li, chuyên gia tư vấn chính sách tại Global Counsel, thành công của Temu đến từ chiến lược cung cấp sản phẩm giá rẻ không nhãn hiệu và gây áp lực mạnh mẽ lên các nhà cung cấp để giảm giá. Chiến lược này đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và có thể gây thiệt hại đáng kể cho các công ty khởi nghiệp tại Indonesia.

CÁC “ÔNG LỚN” SÀN THƯƠNG MẠI ĐANG CÓ GÌ?

Trước khi có sự xuất hiện của Temu, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã rất sôi động và trở thành “cơ hội vàng” đối với các doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử. Không thể phủ nhận sự đóng góp của hoạt động thương mại điện tử với nền kinh tế. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2023 lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022) và đạt quy mô trên 20,5 tỷ USD.

Shopee vẫn là tên tuổi chiếm thị phần lớn, bên cạnh đó “tân binh” Tiktok Shop cũng có sức cạnh tranh khốc liệt. Theo số liệu báo cáo của nền tảng số Metric, năm 2023, doanh thu trên cả 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả kinh doanh của các sàn thương mại điện tử có sự phân hóa không đồng đều.

tmdt-3853.png
Các sàn thương mại điện tử tại thị trường trong nước đang cạnh tranh khốc liệt

Trong khi Shopee vẫn là “chiến thần” nằm kết quả kinh doanh cao nhất khi liên tục lãi lớn. Theo thống kê mới nhất, Shopee hiện chiếm tới gần 68% thị phần trong nước. Năm 2023, Shopee đạt doanh thu thuần hơn 18.000 tỷ đồng, tiếp tục đứng đầu với mức tăng trưởng ấn tượng hơn 70% so với năm 2022. Liên tục ra các chương trình “săn deal cực hời”, Shopee luôn khiến người tiêu dùng khó thoát khỏi các vòng quay khuyến mãi.

Đuổi sát Shopee là “tân binh” Tiktok Shop, năm 2023, Tiktok Shop đạt doanh thu thuần gần 890 tỷ đồng, tăng khoảng 80% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế là 32 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với năm 2022. Với phương thức bán hàng có phần khác biệt so với phần còn lại, Tiktok Shop mang sự giao thoa rất lớn giữa hai yếu tố giải trí và thương mại, tạo nên sức hút rất riêng của sàn thương mại này. Trải nghiệm mua sắm trên TikTok Shop đã được nâng cao đáng kể nhờ vào việc khai thác tâm lý người dùng. Các video ngắn hấp dẫn, kết hợp với sự uy tín của các nhà sáng tạo nội dung, đã tạo ra một không gian mua sắm thú vị, khiến người dùng dễ dàng bị cuốn hút và đưa ra quyết định mua hàng một cách tự nhiên.

Bên cạnh sự “bành trướng” và nắm phần lớn thị phần của Shopee và Tiktok Shop thì một số ứng viên còn lại có phần hụt hơi hơn trên đường đua. Lazada là sàn thương mại điện tử thuộc Lazada Group, có công ty mẹ là Tập đoàn Alibaba và bước vào thị trường Việt Nam vào năm 2012 nhưng đến nay đã đánh mất vị trí thứ 2 vào tay Tiktok Shop. Hiện nay, Lazada đã có thêm những tính năng và tiện ích để tăng trải nghiệm của cả nhà bán hàng lẫn người tiêu dùng. Bằng việc sử dụng công nghệ sáng tạo nội dung có thể được tối ưu hóa thông qua tính năng tạo thông tin sản phẩm bằng AI giúp cho nhà bán hàng có thể tiếp cận với những khách hàng tiềm năng tốt hơn. Với người tiêu dùng, Lazada cho ra mắt tính năng như Đề xuất Điểm nổi bật của Sản phẩm. Đây là tính năng giúp cho khách hàng có thể nhanh chóng trải nghiệm những thông tin trọng tâm và cốt lõi của sản phẩm.

Xuất hiện trên thị trường Việt Nam cũng hơn một thập kỷ những Tiki và Sendo đang thể hiện sự “đuối sức” trước các đối thủ. Trong khi Tiki đã không có sức cạnh tranh để vươn lên vị trí cao hơn trên bản đồ thị phần trong thời gian ngắn thì Sendo cũng đã bị các sàn khác đánh bật ra khỏi danh sách những sàn thương mại điện tử lớn nhất.