Đối mặt với cuộc đua phòng vệ thương mại

Không chỉ chịu tác động bởi làn sóng ồ ạt nhập khẩu thép ngoại, ngành thép trong nước còn lo lắng trước cuộc đua phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu.

Tăng trưởng chưa chắc chắn

Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tháng 7/2024, sản xuất thép thô đạt 927.180 tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ tháng 7/2023. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,527 triệu tấn, tăng 2,59% so với tháng 6/2024. Trong đó, sản xuất các mặt hàng thép xây dựng và tôn mạ vẫn giữ được mức tăng trưởng lần lượt là 8,9 và 30,3%. Các mặt hàng thép còn lại là thép cán nóng (HRC), cuộn cán nguội (CRC) và ống thép giảm lần lượt là 5,1%, 11,7% và 5,6%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất thép thô đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 16,959 triệu tấn, tăng 9,4%. Trong đó, sản xuất thép tôn mạ kim loại và sơn phủ mầu đạt cao nhất là 29,2%, thép xây dựng 14,6% và HRC là 2,9%; sản xuất thép cuộn cán nguội và ống thép đều ghi nhận mức tăng trưởng âm là 14,9% và 1,1%.

Tiêu thụ thép thô nội bộ và xuất bán đạt 12,41 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 16,75 triệu tấn, tăng 14,3% so với 7 tháng năm 2023. Mức tăng trưởng cuộn cán nguội CRC đạt cao nhất 40,6%, tiếp đến là tôn mạ kim loại và sơn phủ mầu, thép xây dựng... Tuy nhiên, xuất khẩu ống thép giảm 1,2% và HRC giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ 2023.

VSA đánh giá, tăng trưởng thép đã dần phục hồi nhưng chưa chắc chắn, bởi chịu sức ép từ hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam mấy năm gần đây.

Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn thép (tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng giá trị gần 6 tỷ USD (tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Hệ quả là, theo VSA, giá HRC giảm đáng kể so với đầu năm 2023. Giá HRC bình quân tháng 6/2024 là 539 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 2,3% so với tháng trước.

Với những chỉ số trên, VSA cho rằng, các văn bản luật liên quan đến thị trường bất động sản, như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023... vừa có hiệu lực thi hành có thể tạo động lực cho thị trường thép phục hồi tích cực. Ngành xây dựng dự kiến đạt triển vọng tăng cao so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024, tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức, khiến xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa có dấu hiệu chắc chắn.

Hệ lụy từ phòng vệ thương mại

Chưa hết khó khăn, mới đây một số nước khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam cũng khiến doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thêm áp lực.

Chỉ trong tháng 8, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.

Động thái này diễn ra sau khi các nhà sản xuất thép Ấn Độ nộp đơn xin điều tra các sản phẩm thép cán nóng xuất xứ từ Việt Nam. Sản phẩm bị điều tra là thép cuộn cán nóng hợp kim hoặc không hợp kim; không phủ, không mạ hoặc tráng, có độ dày lên đến 25 mm và chiều rộng lên đến 2.100 mm thuộc các mã HS: 7208; 7211; 7225; 7226.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Giai đoạn điều tra bán phá giá từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3; giai đoạn điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3.

Tính đến nay, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, tiến trình tự do hóa thương mại và khó khăn kinh tế chung trên toàn cầu đã khiến xu hướng lạm dụng các biện pháp tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước. Công suất ngành sản xuất thép trên thế giới đang bị dư thừa, nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam. Do đó, việc khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này có thể sụt giảm là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, để theo kiện, doanh nghiệp buộc phải bỏ ra các chi phí vật chất và nhân lực rất lớn phục vụ các yêu cầu tố tụng liên quan.

Ông Hà cũng cho hay, điều bất lợi rất lớn là hệ lụy có thể kéo dài nhiều năm, bởi một biện pháp thuế chống bán phá giá kéo dài ít nhất 5 năm và còn có thể bị gia hạn nhiều lần. Mỗi năm các doanh nghiệp có thể phải mất thêm các chi phí để theo đuổi các thủ tục rà soát hằng năm hoặc cuối kỳ nếu bị yêu cầu.

Ở chiều ngược lại, cuối tháng 7, Việt Nam cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6 năm nay.

Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, một trong những tác dụng lớn của biện pháp phòng vệ thương mại là giúp chúng ta lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Bởi vì biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp giúp chúng ta ngăn chặn hành vi bán phá giá và hành vi bán hàng vào nước ta được nước xuất khẩu trợ cấp. Việc trợ cấp này làm cho hàng hóa đó có lợi thế cạnh tranh nhất định với hàng hóa chúng ta sản xuất trong nước. Họ được trợ giá nên giá của họ rất thấp và gây ra tác động tiêu cực đến nền sản xuất, chúng ta không bán được hàng, thua thiệt trên sân nhà.

Đại diện Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp cho rằng, khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì chúng ta ngăn chặn được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh… Hằng năm, các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng giúp tăng ngân sách nhà nước 1.500 - 2.000 tỷ đồng từ thuế phòng vệ thương mại.