Đỏ mắt tìm quản lý nhà hàng

Các nhà hàng ẩm thực và đồ uống gặp khó trong việc tuyển các vị trí quản lý

Mở quán cà phê từ đã hơn hai năm nhưng phải đến giữa năm nay, anh Nguyễn. H ở Hà Nội mới tuyển được một quản lý mà anh ưng ý. Với anh, đó phải là người có năng lực pha chế, năng lực quản lý và đặc biệt là hợp gu của quán.

Thị trường quá thiếu nhân sự cho vị trí này dù theo iPOS.vn, ngành ẩm thực và đồ uống (F&B) đang có gần 3 triệu nhân sự với khoảng 700 nghìn nhân người làm việc toàn thời gian.

Trong quá trình tuyển dụng, anh H. nhận được rất ít hồ sơ và người anh vừa tuyển được cũng nhờ bạn bè giới thiệu.

Trước đó, anh và đồng sáng lập chọn hướng phát triển nhân sự nội bộ làm quản lý. Anh nghĩ phần lớn nhân viên ở quán anh đều không phải là sinh viên làm bán thời gian, đều có năng lực pha chế tốt, chỉ cần đào tạo thêm năng lực quản lý là ổn.

Nhưng, những người tiềm năng được lựa chọn lại từ chối cơ hội phát triển tiếp trong nghề dù họ đã đồng hành cùng quán từ những ngày đầu. Lý do họ đưa ra là ‘không chắc chắn về kế hoạch tương lai’ hoặc là ‘đang có những dự định khác’.

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng anh H. Ngành kinh doanh nhà hàng ẩm thực và đồ uống vẫn chưa níu chân được nhân sự định hướng làm việc lâu dài.

Hơn 800 trong tổng số gần 1.000 doanh nghiệp được hỏi cho biết, nhân sự của họ chỉ có thời gian làm việc trung bình dưới một năm. Một số nguyên nhân được chỉ ra như mức lương và phúc lợi chưa hấp dẫn, điều kiện làm việc khắc nghiệt và cơ hội thăng tiến hạn chế.

Vì là ngành dịch vụ với thời gian làm việc đặc thù, đi làm trong thời gian nghỉ chung, nhiều nhân sự cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể tiếp tục công việc lâu dài. Theo đó, hầu hết nhân sự cảm thấy khó khăn nhất với ca kíp làm việc của ngành F&B, tập trung chủ yếu vào thời điểm ngoài giờ hành chính. Các ca làm việc được coi là vất vả nhất là ca buổi trưa và ca làm buổi tối.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra là kỳ vọng về sự học tập, rèn luyện cao hơn so với nội lực của doanh nghiệp trong khi động lực đi làm chủ yếu của nhân sự ngành F&B đến từ việc rèn luyện thêm các kỹ năng mềm như giao tiếp, sắp xếp và bày trí, kỹ năng công sở. Đây hầu hết là các kỹ năng cơ bản và là bước đệm để các nhân sự tiếp tục ở các công việc kế tiếp.

Dù có nguồn nhân sự dồi dào, tình trạng thiếu hụt nhân sự phù hợp vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp F&B Việt Nam. Theo các chủ nhà hàng, vấn đề cốt lõi không nằm ở số lượng ứng viên mà ở việc tìm kiếm những cá nhân đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng kinh nghiệm và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.

Thực tế, anh H. từng tuyển được nhân sự cho vị trí quản lý vào năm ngoái nhưng buộc phải để người đó ra đi sau vài tháng thử thách vì không phù hợp văn hóa, không quản lý được đội ngũ và gây ra nhiều xáo trộn.

Theo iPOS.vn, tình trạng thiếu ổn định của nhân sự trong các doanh nghiệp F&B có thể dẫn đến nhiều hệ quả như: chi phí tuyển dụng bị đẩy lên cao, giảm hiệu quả làm việc, khó khăn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Tăng độ dài vòng đời nhân sự

Dù bức tranh tổng quan có phần màu xám nhưng vẫn có những điểm sáng nhỏ khi 4,1% doanh nghiệp được IPOS.vn khảo sát cho biết nhân sự của họ có thời gian làm việc trung bình trên hai năm.

Đỏ mắt tìm quản lý nhà hàng
Doanh nghiệp cần xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài

Hai “cánh tay” đắc lực của anh T. Mạnh, chủ một chuỗi nhà hàng ở Hà Nội đều là những người được phát triển từ khi họ mới tham gia vào doanh nghiệp. Trong đó, bếp trưởng hiện nay từng là một người ở quê lên Hà Nội xin vào học việc bình thường. Sau gần bốn năm, người này đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và xin được công ăn việc làm cho hàng chục người cùng quê.

Anh Mạnh cho biết, ngay từ những ngày đầu mở nhà hàng, anh đã xác định con đường đi lâu dài là không tuyển ngoài cho các vị trí cấp cao, tất cả đều được phát triển nội bộ. Anh cung cấp cho họ lộ trình thăng tiến rõ ràng tương đương với lộ trình phát triển của doanh nghiệp. Anh luôn có một đội ngũ kế cận hùng hậu.

Để giải quyết tình trạng vòng đời làm việc ngắn của nhân sự trong ngành F&B, theo iPOS.vn, các doanh nghiệp cần có những chính sách phù hợp để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hấp dẫn.

Cũng giống như yếu tố về kỹ năng, nhiều nhân sự tại các nhà hàng ẩm thực và đồ uống được hỏi cho rằng họ lựa chọn đi làm vì người chủ là người có sức ảnh hưởng, và hy vọng có thể học tập được điều gì đó.

Việc duy trì công việc lâu dài cũng nguyên nhân chủ yếu từ người quân lý, khi họ có thực sự quan tâm tới nhân viên về công việc, đời sống hay không.