Người tiêu dùng Việt chi hơn 87.000 tỷ đồng trong quý 2/2024 mua sắm trên sàn thương mại điện tử

Tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử cho thấy tiềm năng phát triển của ngành trong tương lai, dần trở thành động lực mới cho nền kinh tế số...
Ngành thương mại điện tử đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nước ta

Tốc độ phát triển của ngành thương mại điện tử thời gian qua đã khẳng định vai trò và vị thế tiên phong trong nền kinh tế số. Tại Toạ đàm "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức", đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia đã chỉ ra cơ hội và thách thức để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm thấy các cơ hội phát triển trong thời kỳ mới.

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ MANG VAI TRÒ CHIẾN LƯỢC

Đánh giá vai trò của ngành thương mại điện tử đối với sự phát triển của kinh tế số của Việt Nam trong thời gian qua, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành cái động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Dẫn chứng số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Ngoài ra, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. Mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025, mục tiêu này được đánh giá nằm trong khả năng với tốc độ tăng trưởng hiện nay

img8053-1723599605794199161948.jpg
Các khách mời tham dự tọa đàm

Thông tin từ Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (trực tiếp là Cục Thương mại và kinh tế số) cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng.

Ông Tuấn nhấn mạnh, Chính phủ luôn định hướng lớn nhằm việc thúc đẩy và coi thương mại điện tử là một trong những động lực lớn, quan trọng nhất để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với PGS.TS Trần Minh Tuấn về việc thương mại điện tử đã tạo ra những động lực phát triển cho kinh tế số, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh bày tỏ, ngành thương mại điện tử không chỉ mới phát huy nội lực trong 5 năm gần đây. Đây là sự nối tiếp của rất nhiều nỗ lực từ Chính phủ xuống các địa phương trong việc đồng bộ hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực để ứng dụng thương mại điện tử.

Bà Việt Anh đánh giá, thương mại điện tử hoàn toàn là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số vì có quá trình phát triển lâu dài. Năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thương mại điện tử đang là lĩnh vực tiên phong vì tỷ trọng trong tổng giá trị kinh tế số khoảng 20% thì có thể chưa phải là quá chiếm mức tuyệt đối, nhưng sự lan tỏa thì vô cùng mạnh mẽ.

img8067-1723609763830218872792.jpg
TS. Võ Trí Thành và bà Lại Việt Anh

Ngành này đã có động lực phát triển rất lớn từ sự phối hợp của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt trong khuôn khổ kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử 2021-2025 có sự tham gia của tất cả các Sở Công Thương của 63 tỉnh, thành và Bộ Công thương để triển khai rất nhiều hoạt động từ nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao năng lực, ứng dụng và triển khai thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho những hoạt động về tổ chức chuỗi liên kết vùng trong thương mại điện tử để làm sao phát triển thương mại điện tử đồng bộ toàn diện và thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương.

Chia sẻ dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, chưa bao giờ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.

“Nói về thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế số. Đây là lĩnh vực gắn liền tốt nhất "ảo" với "thực". Đôi khi chúng ta nhìn thế giới ảo, thế giới số tách rời thế giới thực mà điều quan trọng nhất của kinh tế số chính là để cho GDP phát triển”

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành

Tuy dẫn dắt một số vấn đề được xem là thách thức của ngành nhưng Tiến sĩ Thành vẫn khẳng định, tổng thể phải nói là thương mại điện tử đã đem lại sự phát triển vượt trội, đem lại ý nghĩa rất tích cực.

HÀNG HÓA VIỆT NAM ĐỐI DIỆN NHIỀU THÁCH THỨC

Theo dữ liệu báo cáo mới công bố của Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI cho biết, trong quý 2/2024, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý 1. Trong đó, gần ba phần tư chi tiêu chảy vào Shopee, với tổng giao dịch (GMV) đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%. Tính chung, hai sàn này nắm đến hơn 93% thị phần GMV, tăng 91% so với hồi quý 1.

Những số liệu này cho thấy sức mua sắm tại thị trường bán lẻ trên các sàn thương mại vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Các sàn vẫn tăng cường triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, người dân có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn và mua sắm online đang ngày càng trở thành thói quen tiêu dùng thường nhật. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển ngành thương mại điện tử vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, do là ngành kinh tế mới mang tính đặc thù, do đó hành lang pháp lý trong nước vẫn nhiều điểm cần hoàn thiện.

img8071-1723604853358472693776.jpg
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số và Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh (bên phải)

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng toàn bộ hệ thống thể chế để phát triển giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử được hiểu rộng hơn bao gồm cả thương mại điện tử gồm tất cả các giao dịch thương mại, giao dịch trong lĩnh vực dân sự và trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Chính phủ và cũng đã được Quốc hội phê duyệt Luật Giao dịch điện tử 2023. Đây là Luật có tác động sâu rộng trong toàn bộ hoạt động của kinh tế - xã hội trên môi trường số và bảo đảm sự triển khai các dịch vụ giao dịch số một cách liền mạch không bị đứt quãng trong thời gian qua.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng đồng tình, ở Việt Nam, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, có một số vấn đề cần giải quyết nếu muốn tạo đột phá cho nền kinh tế số, chuyển đổi số nói chung trong đó có thương mại điện tử và hoàn thiện thể chế là một trong những yếu tố thúc đấy sự phát triển đó. Theo ông đánh giá, chỉ riêng trong khu vực Asean, các nước đang nỗ lực phát triển kinh tế số, thương mại số. Ở đây, có các vấn đề cần suy nghĩ sâu hơn như dịch chuyển dữ liệu, xử lý tranh chấp xuyên biên giới, bảo đảm cạnh tranh công bằng.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn về vấn đề thương mại điện tử xuyên biên giới. Với một môi trường lớn và phức tạp, theo đánh giá của các chuyên gia, các hoạt động trong nước cần phải bắt kịp xu thế, thậm chí là tạo ra xu thế mạnh mẽ hơn, dấn thân vào những cuộc cạnh tranh trên thị trường. Để các hàng hóa thương mại điện tử của Việt Nam khi lên sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng sẽ tương ứng xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới, kết nối người mua trực tiếp với người bán cũng như nhà sản xuất.

Đại diện cho sàn thương mại điện tử có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ, thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế đặc thù với nhiều tiềm lực để phát triển từ thị trường nội địa vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, Shopee vẫn mong muốn các cơ quan chức năng có những cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận, tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới.

Bên cạnh đó, để làm tốt vai trò kết nối thị trường trong khu vực Đông Nam Á, doanh nghiệp hy vọng được đồng hành nhiều hơn nữa với các bộ, ngành, các chương trình của Chính phủ cũng như cơ quan chức năng của các tỉnh/thành, hoàn thành mục tiêu về thương mại điện tử từ tầm quốc gia cũng như tôn chỉ của doanh nghiệp.