Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ điều chỉnh Thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ mức 20% xuống mức 12% nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Lý giải về nguyên nhân giá xăng dầu thế giới tăng mạnh thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng chủ yếu do nguồn cung xăng dầu khan hiếm.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại một nước lớn tại Châu Âu và Mỹ cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới tăng. Việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao dẫn đến tăng giá xăng dầu trong nước.
Để tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, hiện Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp và thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12%. Đề xuất này nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Bộ Tài chính cho biết, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng là hợp lý.
Tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ các thị trường truyền thống bị thiếu hụt và vẫn đảm bảo được dư địa đám phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có các giải pháp về đảm bảo nguồn cung, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thị trường kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.
Về điều hành giá, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Đồng thời làm tốt công tác dự báo, tiếp tục cân đối sử dụng Quỹ BOG một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.