Sự suy giảm trong nhu cầu của người tiêu dùng đang thúc đẩy một cuộc chiến “đại hạ giá” giữa các chuỗi nhà hàng và siêu thị tại Trung Quốc…
Tại các nhà hàng Nanchengxiang ở Bắc Kinh, khách hàng tới chật kín vào hầu như tất cả mọi buổi sáng kể từ khi ưu đãi thực đơn đồng giá 3 nhân dân tệ (hơn 10 nghìn đồng) được đưa ra vào tháng Năm, bao gồm các lựa chọn như súp, cháo và sữa.
"Nhiều món ăn ngon, rẻ đã xuất hiện trong thời gian đại dịch", ông Gao Yi, 71 tuổi, cho biết khi đang ăn sáng cùng cháu trai tại một trong 160 cửa hàng của chuỗi Nanchengxiang ở thủ đô Trung Quốc. "Không phải tất cả ưu đãi đều sẽ kéo dài mãi, nhưng luôn có những mức giá tốt mới, bạn chỉ cần chịu khó ra ngoài để tìm chúng mà thôi”, ông Yi nhận xét.
“Lưu lượng khách đã quay trở lại, nhưng chi tiêu trên đầu người lại sụt giảm. Trong suy nghĩ của nhiều người, đại dịch dường như đã diễn ra trong quá lâu. Họ cần thời gian để thích nghi”, ông Joey Wat, giám đốc điều hành của Yum, giải thích với Reuters.
Ở một nơi khác, Xishaoye - cửa hàng nhượng quyền bánh hamburger có trụ sở tại Bắc Kinh - cũng đã chạy các chương trình quảng cáo và giảm giá, với nhân viên nói rằng một số mặt hàng sẽ chỉ vào khoảng 10 nhân dân tệ (khoảng 36 nghìn đồng).
Tập đoàn Yum China, nhà điều hành KFC tại Trung Quốc, cũng đang thu hút khách hàng bằng thực đơn bánh hamburger, đồ ăn nhẹ và đồ uống với giá 19,9 nhân dân tệ/suất ( khoảng 80 nghìn đồng).
Zhu Danpeng, nhà phân tích thực phẩm và đồ uống, đồng thời là Phó giám đốc Liên minh xúc tiến an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Đông nhận xét: “Các chiến lược giảm giá, mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn đáng đồng tiền bát gạo hơn, là phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay”.
Đó là tình trạng giảm phát ở Trung Quốc.
Các động thái dè dặt hơn trong kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng đang thúc đẩy cuộc chiến giá cả giữa các chuỗi nhà hàng ở Trung Quốc, điều mà các nhà phân tích cho rằng có thể gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ hơn phải vật lộn để theo kịp mức chiết khấu của những người chơi lớn.
Như đã chứng kiến ở Nhật Bản những năm 1990, giảm phát, nếu kéo dài, có thể sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Ben Cavender, giám đốc điều hành của China Market Research Group ở Thượng Hải cho biết: “Cần có những ưu đãi tốt để thu hút người tiêu dùng, vì vậy có rất nhiều áp lực đối với các doanh nghiệp này trong việc tìm kiếm lợi nhuận”.
Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi giá tiêu dùng của nước này sụt giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm. Cụ thể, trích dẫn báo cáo ngày 9/8 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chủ chốt của lạm phát, đã giảm 0,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã đi ngang ở một tháng trước đó.
Không giống như ở các nước phương Tây, người dân Trung Quốc phần lớn phải tự lo liệu tài chính trong thời kỳ đại dịch, với sự hỗ trợ của chính phủ chủ yếu hướng vào lĩnh vực sản xuất.
Với tiền lương và lương hưu hầu như không thay đổi, thị trường việc làm rất bấp bênh, nhu cầu chi tiêu bị hạn chế trong một nền kinh tế hầu như không tăng trưởng, thì niềm tin của người tiêu dùng là rất thấp.
Do vậy, một khi các hạn chế được dỡ bỏ, rõ ràng là không có sự “vung tay” cho tiêu dùng ngay lập tức như một số nhà kinh tế đã dự đoán.
Anh Dong, 33 tuổi, một nhân viên nhà hàng thường có thói quen dạo qua siêu thị và chợ ướt ở trung tâm Bắc Kinh vào khoảng giờ nghỉ trưa nhưng lại không mua bất cứ thứ gì. "Tôi vẫn còn phải trả tiền nhà và nuôi con nhỏ. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thận trọng hơn trong chi tiêu", anh Dong cho biết.