Sau khi có thêm dữ liệu để khẳng định lạm phát đang hạ nhanh hơn dự báo, chứng khoán Mỹ tiếp tục kéo dài đà tăng lên phiên thứ 4 liên tiếp...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/7) khi nỗi lo về lạm phát tiếp tục được xoa dịu. Đây cũng là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của thị trường này. Ngoài ra, S&P 500 và Nasdaq Composite lại phá đỉnh của năm 2023 và đang ở ngưỡng cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 47,71 điểm (tăng 0,14%) lên 34.395,14 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,85% lên mức 4.510,04 điểm. Tương tự, chỉ số Nasdaq tăng 1,58%, đạt 14.138,57 điểm.
Sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ Lao động Mỹ tiếp tục công bố một báo cáo lạm phát quan trọng nữa là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI). Dữ liệu cho thấy PPI tháng 6 của Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo tăng 0,2% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. PPI lõi, chỉ số không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,1% - cũng là một mức tăng thấp hơn so với dự báo.
Từ các con số trên có thể dễ dàng nhận định rằng, lạm phát ở Mỹ đang giảm nhanh hơn dự báo. Điều này giúp củng cố khả năng Fed có thể sắp dừng hẳn việc tăng lãi suất, đồng nghĩa chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này của ngân hàng trung ương Mỹ sắp đi đến hồi kết.
Theo ông Peter Essele, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư của Commonwealth Financial Network, dữ liệu lạm phát gần đây chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất mạnh mẽ, có thể thúc đẩy S&P 500 phá vỡ ngưỡng 5.000 điểm vào cuối năm 2023.
"Việc PPI và CPI cùng hạ nhiệt báo hiệu cho ông Essele rằng S&P 500 có thể tiếp tục tiến lên. Để lên ngưỡng 5.000 điểm, S&P sẽ cần tăng thêm khoảng 11% so với mức chốt phiên hôm 13/7. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã đi lên khoảng 18%", ông Peter Essele nêu quan điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn một mối lo khác đó là việc số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần thấp hơn dự kiến là một lời nhắc nhở rằng tình trạng thắt chặt trong thị trường lao động vẫn tiếp diễn. Đồng thời, số liệu này cũng thể hiện rõ ràng là áp lực lạm phát chưa được giải toả hoàn toàn.
“Trước mắt, câu chuyện có vẻ sẽ là như thế này, Fed vẫn sẽ tăng lãi suất sau khoảng 2 tuần nữa, và nhà đầu tư sẽ dịch chuyển trọng tâm chú ý sang bảng cân đối kế toán của các công ty niêm yết vì mùa báo cáo tài chính đã bắt đầu”, ông Mike Loewengart, Trưởng bộ phận xây dựng danh mục mô hình của Morgan Stanley Global Investment Office, phát biểu với hãng tin CNBC.
Giá dầu lên đỉnh 3 tháng
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,25 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở 81,36 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 81,57 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 25/4.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 76,89 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 77,13 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 26/4.
Động lực cho giá dầu vẫn đến từ kỳ vọng Fed dần thay đổi chính sách "diều hâu" như đã nêu. Đồng thời, sau khi chỉ số PPI được công bố, giá USD giảm mạnh cũng đã thúc đẩy giá dầu nhích lên một bước.