"Chưa bao giờ tính cưỡng bức tư duy kinh tế xanh lại mạnh mẽ như hiện nay", ông Võ Trí Thành nói tại diễn đàn "Liên kết xanh - xuất khẩu xanh" mới được tổ chức.
Chiều ngày 25/5, Sở Công Thương TP.HCM và Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương đã tổ chức diễn đàn "Liên kết xanh - xuất khẩu xanh" để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm xanh, bền vững...
Không chuyển đổi - không đơn hàng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam trong quý 1/2023 ước đạt 8,213 tỷ USD, giảm 24,6% so với quý 1/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may quý 1/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17%.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm, thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng kéo dài hết quý 2/2023.
Nguyên nhân được chỉ ra là tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, sức mua suy giảm trên toàn cầu...
Tuy nhiên, ông Việt cũng nêu một thực tế, cùng trong bối cảnh khó khăn, ngành dệt may Việt Nam gặp lao đao, nhưng ngành dệt may nhiều nước khác vẫn giở ổn định.
Như tại Bangladesh, một quốc gia từng luôn “đi sau” Việt Nam trên thị trường dệt may, tuy nhiên, Bangladesh đang nhăm nhe soán ngôi xuất khẩu dệt may thứ 2 thế giới của Việt Nam.
Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), miêu tả các nhà máy của Bangladesh làm hàng “không kịp nghỉ”, trong khi Việt Nam thiếu đơn hàng.
Nguyên nhân chủ yếu là do Bangladesh đã dần chuyển đổi xanh ngành may mặc, nên đáp ứng được các quy định về nguồn gốc nguyên phụ liệu từ các thị trường Mỹ, Anh, EU, Ấn Độ…
Thực tế, Bangladesh đang sở hữu 9 trong số 10 nhà máy dệt may xanh nhất thế giới. Năm 2023, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), họ cũng có 500 nhà máy hiện đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.
Ngành dệt may mất đơn hàng về tay Bangladesh vì chậm chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhận định.
Từ đó, ông Minh cho rằng, các yêu cầu về quy trình xanh hóa chuỗi cung ứng đã rất rõ ràng và tác động đến sức cạnh tranh, cơ hội nhận đơn hàng của nhà xuất khẩu, chứ không còn ở mức "phấn đấu"
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng "xanh" và "số" là hai từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang đeo đuổi nếu muốn thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế. Nếu như trước đây theo đuổi "tính xanh" là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế.
"Chưa bao giờ tính cưỡng bức tư duy kinh tế xanh lại mạnh mẽ như hiện nay", ông Võ Trí Thành nói và cho biết, ngành dệt may thế giới còn yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng.
Và thực tế các doanh nghiệp đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) thì có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn. Trường hợp của doanh nghiệp dệt may giữa Bangladesh và Việt Nam được nêu phía trên là ví dụ như vậy", ông Thành nói.
Mỗi năm cần 14 tỷ USD để thực hiện cam kết xanh
Tại Việt Nam, một số bước chuyển đổi xanh trong ngành dệt may cũng đang được tiến hành, có thể điểm qua một số dự án như dự án sản xuất vải sợi tái chế xuất khẩu sang EU của Hanoisimex và Hansae; dự án vận hành nhà máy may bằng một phần năng lượng tái tạo tại An Giang của công ty Đan Mạch Spectre; dự án giảm nước thải trong khâu nhuộm vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam…
Tuy nhiên, theo ông Trần Như Tùng, mới chỉ có một số doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có thể tự đầu tư thay đổi công nghệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh. Một số doanh nghiệp khác với tiềm lực yếu hơn, đang nỗ lực thực hiện tiêu chuẩn xanh để giữ chân khách hàng nhưng tốc độ chuyển đổi còn chậm.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng chỉ ra ba vấn đề được cho là khó khăn và rào cản đối với doanh nghiệp trong quá trình xanh hóa.
Thứ nhất, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhận thức đúng về vấn đề này để chuẩn bị tốt nhất cho vấn đề xanh hóa.
Thứ hai là vấn đề về tài chính, bởi liên quan đến xanh hóa thì nhu cầu về vốn rất lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện vấn đề này, nhất là 80% doanh nghiệp dệt may là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, đó là nguồn lực về con người, bởi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng xanh hóa cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất quan trọng và cần thiết nhưng các doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng khẳng định giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh không thể một mình doanh nghiệphay Nhà nước muốn là được. Với đặc thù nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cần có cách thức tiếp cận từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, tức nỗ lực từ hai phía.
Ông Võ Trí Thành cho biết, ứớc tính, mỗi năm Việt Nam cần 14-15 tỷ USD để thực thi các cam kết xanh, tiến tới đạt phát thải bằng 0 theo COP26.
Tuy nhiên, theo ông Thành, những đòi hỏi của người tiêu dùng mới có thể vượt ngoài cả những cam kết trong các FTA, đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội khởi nguồn cho sự hình thành lĩnh vực đầu tư/mô hình kinh doanh mới. Muốn khai thác được cơ hội, doanh nghiệp cần chú trọng tối ưu hoá chuỗi cung ứng, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng xanh, đáp ứng xu hướng tiêu dùng thế giới.
Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, để đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh, các địa phương doanh nghiệp cần hợp tác đầu tư về tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Điển hình như tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì TP.HCM với lợi thế vượt trội về công nghệ, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội, hội nhập với khu vực và thế giới, có tiềm năng to lớn chuyển dịch mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
Trong khi đó, các địa phương còn lại trong vùng đang dẫn đầu về đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ, trong đó có xây dựng khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị - công nghiệp, dịch vụ sinh thái. Vậy thì các địa phương này cần liên kết lại với nhau để khai thác tối đa nguồn lực...