Trong tuần giao dịch 29/5-2/6, thị trường chứng khoán bất ngờ chứng kiến 26/27 mã tăng giá. Trong Top 10 mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index tuần qua thì một nửa là các cổ phiếu ngân hàng...
Trong tuần giao dịch vừa qua (29/5-2/6), thị trường chứng khoán bất ngờ chứng kiến giao dịch bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sắc xanh bao phủ toàn bộ cổ phiếu “vua” trên sàn chứng khoán với 26/27 mã tăng giá. Top 10 mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới VN-Index tuần qua chiếm hơn một nửa là các cổ phiếu ngân hàng.
Trong đó, mã KLB của KienlongBank dẫn đầu với mức tăng 21,3%, kết tuần tại mức 13.800 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của Kienlongbank đã tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần với phiên chốt tuần tăng kịch trần, qua đó quay trở lại vùng giá cao nhất kể từ cuối năm ngoái. Nhiều cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường UPCoM cũng tăng từ 12% trở lên như VAB (+15,1%), NAB (+12,9%) và BVB (+12,2%).
Trên sàn HOSE, mã TPB của TPBank có mức tăng mạnh nhất (+11,2%), kết tuần tại mức giá 26.300 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức cao nhất trong gần một năm trở lại. Tương tự, ở mức tăng mạnh 7% – 10% trong tuần qua là các mã OCB (+9,8%), TCB (+7,7%), VIB (+9,5%), MSB (+7,2%). Trong khi đó, ở nhóm các ngân hàng quốc doanh đều có chung mức tăng từ 3% trở lên là BID (+3%), CTG (+3,1%), VCB (+3,2%).
Ở chiều ngược lại, duy nhất trong tuần vừa qua có một cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM giảm giá. Đó là PGB của PG Bank với mức giảm mạnh 5,9%.
Thanh khoản nhóm ngân hàng tuần qua tăng mạnh với gần 1 tỷ cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch hơn 20.200 tỷ đồng.
Đứng đầu về khối lượng giao dịch tiếp tục là SHB với hơn 146 triệu cổ phiếu, giảm nhẹ so với tuần trước đó. Trong khi, EIB dẫn đầu về giá trị giao dịch với mức 2.576 tỷ đồng nhờ một loạt giao dịch thỏa thuận lớn. Tuần qua đã có hơn 1.750 tỷ đồng cổ phiếu EIB được trao tay theo hình thức này.
Quảng cáo Thay đổi giá trong tuần 29/5-2/6
ACB cũng ghi nhận thanh khoản "đột biến" với hơn 104 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng với xấp xỉ 2.500 tỷ đồng, cao gấp đôi tuần trước, với hình thức giao dịch chủ yếu là khớp lệnh.
Tâm điểm của giao dịch khối ngoại tuần qua là EIB khi nhóm này đã bán ròng 832 tỷ đồng, mức cao nhất toàn thị trường. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn bán ròng 140 tỷ đồng VPB.
Ở chiều đối ngược, khối tự doanh mua ròng 264 tỷ đồng EIB, 47 tỷ đồng CTG và bán ròng 50 tỷ đồng VCB và 32 tỷ đồng TCB.
Theo dòng sự kiện, trong tuần 29/5-2/6, nhiều ngân hàng thương mại đã tiến hành giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,3-3 điểm phần trăm song song với cuộc đua giảm lãi suất huy động nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Vietcombank được tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Một sự kiện đáng chú ý khác, Hội đồng quản trị VietinBank đã phê duyệt phương án tổng thể phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 (trái phiếu thứ cấp) theo hình thức riêng lẻ năm 2023.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến chào bán lượng trái phiếu tối đa là 16.000 tỷ đồng theo 30 đợt từ quý 2 - quý 4/2023 với tổng khối l. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 100 triệu đồng và có kỳ hạn từ 6 năm trở lên. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và thỏa mãn điều kiện tính vào vốn cấp 2 của VietinBank. Số tiền thu được dự kiến sẽ được sử dụng để tăng vốn cấp 2 và thực hiện cho vay nền kinh tế.