Nhiều năm qua, FDI đã giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Song, dòng "vốn mồi" này đang dần bị suy giảm bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan...
Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần, vốn tăng thêm giảm khá mạnh. Cụ thể, có 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm chỉ gần 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ.
Vốn FDI giảm rõ rệt
Xu hướng giảm của dòng vốn FDI vào Việt Nam bắt đầu từ vài năm trước. Số liệu của HSBC cho thấy, kể từ cuối năm 2019 đến năm 2020, lượng vốn FDI mới đăng ký vào Việt Nam đã giảm khoảng 25%. Mức đầu tư chỉ đi ngang trong năm 2021, rồi tiếp tục giảm nhẹ ở 2022. Và như đã nói, trong 5 tháng đầu năm 2020, mức giảm lại xuất hiện.
Trước đó, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng đáng kể trong ba thập kỷ, từ 180.000 USD năm 1990 lên 38,02 tỷ USD năm 2019. Nhờ vậy, FDI đã giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trung bình 6,8%/năm từ năm 2016 đến năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến dòng vốn FDI đảo chiều nhanh như vậy?
Để trả lời câu hỏi trên, đầu tiên phải nhắc đến thị trường xuất nhập khẩu thời gian qua. Bởi lẽ, các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam chủ yếu đều hướng ra thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, Mỹ và EU đang chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam lên tới khoảng 42-43%. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại ở khu vực này và thậm chí có thể suy thoái ở châu Âu, nhiều khả năng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay có thể suy giảm.
Hơn nữa, kết quả các cuộc đàm phán đang diễn ra về nhiều vấn đề như hiệp định thương mại, chính sách đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể tác động đáng kể đến dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu. Trong quý 1/2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu quốc tế sụt giảm đáng kể.
Xuất khẩu khó khăn khiến đã khiến nhiều công ty đa quốc gia trên toàn cầu trì hoãn các quyết định đầu tư. Việc Việt Nam sớm mở cửa vào cuối năm 2021 ngay lập tức chưa thể thu hút dòng vốn FDI trở lại. Đấy là chưa kể đến yếu tố nội tại, tức Việt Nam cũng đã trở nên chọn lọc hơn khi nhắm đến các khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không hoàn toàn dễ dàng như trước đây.
Một vấn đề khác tác động đến dòng vốn FDI đó là vốn đầu tư từ Trung Quốc. Quay trở lại những dữ liệu về FDI của Trung Quốc ở Việt Nam, năm 2019 khi xảy ra căng thẳng trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ - Trung khiến cho dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam rất lớn, tăng đột biến. Tuy nhiên, sau đấy ba năm Covid-19, Trung Quốc đóng cửa ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng FDI vào Việt Nam từ Trung Quốc bị ảnh hưởng rất lớn.
Hay như chương trình thuế tối thiểu toàn cầu cũng có thể khiến Việt Nam dần mất đi lợi thế. Tháng 7/2021, đại diện từ 131 quốc gia bao gồm cả Việt Nam đã đồng thuận trên khung thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%. Phong trào này có thể làm nản lòng các khoản đầu tư vào những khu vực pháp lý có mức thuế thấp như Việt Nam vì các lợi thế về thuế sẽ bị giảm đi. Mặt khác, chương trình này có thể thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia có cơ sở hạ tầng vững chắc, lao động lành nghề và các yếu tố phi thuế hấp dẫn, vì ít phải cân nhắc về thuế hơn.
Khơi thông bằng nhiều hướng
Mặc dù còn nhiều khó khăn như đã nêu, nhưng khi đánh giá về dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đều tỏ ra khá lạc quan rằng, trong dài hạn, Việt Nam vẫn đang điểm sáng thu hút đầu tư bởi rất nhiều lý do từ các FTA Việt Nam đã ký kết như lao động giá rẻ cũng như sự dịch chuyển dòng vốn, đa dạng hóa thị trường đầu tư của các nước lớn trên thế giới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang cho thấy sự chủ động trong việc thu hút vốn FDI.
Báo cáo mới đây của VinaCapital đánh giá, năm 2021, hơn 100 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) đã đồng ý với đề xuất của OECD về việc áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu (GMT) 15% từ năm 2023 đối với những doanh nghiệp có thu nhập hợp nhất trên 850 triệu USD. Việc thực hiện thỏa thuận này sau đó đã bị trì hoãn đến năm 2024 và vẫn chưa rõ là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ có tham gia vào kế hoạch này không.
Tuy nhiên, Việt Nam đang chuẩn bị triển khai cơ chế thuế tối thiểu vào năm 2024 và khoảng 70 công ty ở Việt Nam có thể bị tăng thuế suất nếu cơ chế thuế mới được áp dụng. Một số thị trường mới nổi trong khu vực được cho là đang nghiên cứu các hỗ trợ thay thế, trong đó một số khoản thu thuế bổ sung sẽ được chuyển vào "quỹ hỗ trợ kinh doanh" để trợ cấp một số chi phí sản xuất của các công ty đó (như trợ giá điện, hỗ trợ chi phí xây dựng nhà máy mới, hỗ trợ nhà ở cho công nhân...), nhằm bù đắp gánh nặng từ việc đóng thuế ở mức cao hơn của các công ty.
“Thuế suất tối thiểu toàn cầu khó có khả năng cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam do thực tế là các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở Việt Nam. Hơn nữa, khả năng Việt Nam sẽ có những giải pháp thay thế cho thuế suất tối thiểu toàn cầu khi cơ chế này được triển khai”, ông Michael Kokalari nhận định.
Để tiếp thêm lợi thế cạnh tranh khi hút vốn FDI, Tiến sĩ Daniel Borer, khoa Kinh doanh, Trường Đại học RMIT Việt Nam kiến nghị, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, có thể thực hiện được thông qua việc triển khai tăng cường số hóa và nâng cao tính minh bạch. Những quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng minh rằng các công ty nước ngoài không nản lòng bởi chi phí thiết lập FDI cao.
Vấn đề nữa được ông Daniel Borer lưu ý là cải thiện cơ sở hạ tầng. Hiện, chất lượng cơ sở hạ tầng như giao thông, viễn thông và năng lượng, là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế, trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp FDI của tỉnh Bắc Ninh, đa phần các kiến nghị đều hướng tới vấn đề này. Đại diện Công ty Canon Việt Nam tại Khu Công nghiệp Quế Võ chia sẻ, lối rẽ từ đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang vào Quốc lộ 18 thường xuyên tắc đường giờ cao điểm (từ 7 giờ 15 phút đến 8 giờ; 17 giờ đến 17 giờ 40) gây mất an toàn và thời gian khi di chuyển qua đoạn này. Hay như, Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà tại Cụm công nghiệp đa nghề phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn cho biết, công ty có khoảng 450 công nhân lao động đang sinh hoạt và làm việc cạnh lò đốt rác xuống cấp.
Nhìn chung toàn cảnh FDI Việt Nam, HSBC đánh giá, quan điểm trung và dài hạn của các công ty về Việt Nam vẫn vững chắc. Nhiều nhà đầu tư FDI hiện tại và tiềm năng đều có cùng quan điểm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ có hệ sinh thái sản xuất đã được thiết lập, chi phí cạnh tranh, số lượng công nhân lành nghề ngày càng tăng, sự hỗ trợ pháp lý tiến bộ, tài sản và thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cũng như lợi thế từ việc tận dụng chiến lược Trung Quốc+1.
"Có nhiều biện pháp có thể được áp dụng để tăng cường dòng vốn FDI và chính phủ cũng hiện đang có nhiều nỗ lực để tiến hành. Nhiệm vụ lúc này là phải tăng tốc gấp đôi tốc độ tiến hành để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào các khung pháp lý", đại diện HSBC nhấn mạnh.