Theo hãng chứng khoán MB, dự kiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong quý 2/2024 sẽ giảm tốc; trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự phân hoá sâu sắc.
Hãng Chứng khoán MB vừa cho biết lợi nhuận quý 2/2024 của toàn thị trường có thể tăng tới 9,5% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ mức nền thấp của cùng kỳ và hoạt động sản xuất, tiêu dùng đã có sự hồi phục nhẹ. Qua đó, cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế dần được củng cố.
Tuy nhiên, Chứng khoán MB nhận định thị trường sẽ chứng kiến sự phân hoá về kết quả kinh doanh giữa các nhóm ngành cũng như chính các doanh nghiệp trong từng nhóm ngành.
Ngành ngân hàng - Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể giảm nhẹ
Theo Chứng khoán MB, biên lãi ròng NIM của các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm trong quý 2/2024 khi lãi suất cho vay dự báo sẽ giảm thêm trong khi lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng trong quý 2/2024 dự báo sẽ khả quan hơn so với quý 1/2024. Tính đến ngày 20/6, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước đạt 4,17%, so với mức 0,26% vào cuối quý 1/2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, do đó nhìn chung NIM vẫn chưa thể phục hồi mạnh trở lại.
Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng dự kiến vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý 2 này.
Chứng khoán MB nhận định nhìn chung tăng trưởng lãi ròng của các ngân hàng trong quý 2/2024 sẽ không cao. Mức tăng nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như Ngân hàng LPBank (mã cổ phiếu LPB), Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB), và Ngân hàng HDBank (mã cổ phiếu HDB).
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của một số ngân hàng như Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) và Ngân hàng BIDV (mã cổ phiếu BID) có thể ở mức âm do mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái.
Xem thêm: "Lô 32,5% cổ phần Ngân hàng Sacombank (STB) của nhóm ông Trầm Bê sẽ đấu giá từ 60.000 đồng/cổ phiếu?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ngành bất động sản - Phục hồi nhưng phân hóa
Kết quả kinh doanh của nhóm bất động sản dân cư theo dự phóng của Chứng khoán MB sẽ chưa có sự đột phá trong quý 2 này do thiếu dự án để bàn giao và tình trạng pháp lý của các dự án vẫn chưa thay đổi nhiều trước thời điểm ban hành các luật liên quan (dự kiến ngày 1/8/2024).
Các yếu tố như lãi suất, chi phí bán hàng giảm sẽ hỗ trợ phần nào cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản trong quý 2 này.
Theo Chứng khoán MB, lợi nhuận ròng toàn ngành nhiều khả năng đi ngang chủ yếu nhờ Vinhomes (mã cổ phiếu VHM) có dự án đang bàn giao, có tình trạng pháp lý rõ ràng đi kèm.
Một số doanh nghiệp khác có thể chứng kiến mức giảm so với cùng kỳ từ 50-70% như Nhà Khang Điền (mã cổ phiếu KDH) và Tập đoàn Đất Xanh (mã cổ phiếu DXG) do doanh thu bàn giao dự án sụt giảm khi so với mức nền cao của quý 2/2023.
Phân khúc đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian sắp tới do mang tính đầu cơ và gặp nhiều vấn đề về pháp lý, theo Chứng khoán MB.
Ngành dầu khí - Triển vọng khu vực thượng nguồn vẫn tích cực
Trong quý 2/2024, các doanh nghiệp ngành dầu khí có thể tiếp tục duy trì trạng thái phân hóa lợi nhuận, theo Chứng khoán MB.
Nhóm doanh nghiệp thượng nguồn như PV Drilling (mã cổ phiếu PVD) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) có thể ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023 nhờ khối lượng công việc tăng.
Trong đó, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi. Lợi nhuận của PV Drilling dự kiến không có nhiều đột biến so với quý trước khi giá thuê các giàn khoan được giữ ổn định theo các hợp đồng đã ký và chưa ghi nhận đóng góp của các giàn thuê mới.
Dự kiến lợi nhuận của các nhóm doanh nghiệp trung nguồn như PV Trans (mã cổ phiếu PVT) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã cổ phiếu GAS) dự kiến sẽ đi ngang so với cùng kỳ khi quý 2/2024 là thời điểm huy động điện khí nhiều hơn, kéo theo sản lượng khí (khí khô, khí hóa lỏng) của PV Gas có thể cao hơn quý 1/2024.
Đối với PV Trans, giá cước vận tải dầu khí nhìn chung không tăng đột biến so với cùng kỳ trong khi đội tàu của tổng công ty chưa được mở rộng nhanh như dự kiến.
Ở khu vực hạ nguồn, lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã cổ phiếu PLX) và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) sẽ có sự phân hóa rõ ràng khi Petrolimex có thể ghi nhận lợi nhuận đi ngang từ mức nền cao của cùng kỳ còn Lọc hóa dầu Bình Sơn bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhà máy bảo dưỡng trong quý 2/2024.