Thái Nguyên xử lý 32 vụ vi phạm thương mại điện tử

Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT)trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn ra ngày càng sôi động, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội và tạo ra những thách thức cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. 6 tháng đầu năm các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý 32 vụ vi phạm TMĐT, thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hoá gần 750 triệu đồng.

 

thương mại điện tử
Ông Tạ Đình Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên luôn lãnh đạo, chỉ đạo kiểm soát an toàn thị trường chặt chẽ.

Siết chặt quản lý thị trường thương mại điện tử

Trước tình trạng gia tăng về các hành vi mua bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang ngày càng có xu hướng gia tăng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, với vai trò là cơ quan nhà nước có chức năng kiểm soát an toàn thị trường trên địa bàn tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và UBND tỉnh, ban hành Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2024 trong đó yêu cầu các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm qua giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời, Cục QLTT Thái Nguyên cũng đã kiện toàn Tổ công tác về thương mại điện tử nhằm hỗ trợ công tác quản lý thị trường trong thương mại điện tử trên phạm vi toàn tỉnh; nắm bắt tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Cục trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh trên không gian mạng nhằm lành mạnh hoá hoạt động TMĐT trên địa bản tỉnh Thái Nguyên.

Kể từ khi được thành lập, Tổ công tác về TMĐT đã hỗ trợ đắc lực cho Cục QLTT  triển khai thực hiện việc xây dựng, đề xuất các giải pháp, phương án, kế hoạch đấu tranh; tăng cường tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý có hoạt động kinh doanh thương mại thông qua các website bán hàng của các doanh nghiệp, các hình thức mua bán qua trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…).

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra 33 vụ, xử lý 32 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước và trị giá hàng hóa vi phạm đạt gần 750 triệu đồng. Trong đó tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt gần 400 triệu đồng.

xem thêm:

https://tapchicongthuong.vn/quan-ly-thi-truong-thai-nguyen--5-nhiem-vu-trong-tam-dau-tranh-phong--chong-buon-lau--gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-111998.htm

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường

Tình hình gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên thị trường trong thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực TMĐT với thủ đoạn tinh vi không ngừng gia tăng.

thương mại điện tử
thương mại điện tử
Cán bộ QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, kiểm tra đối tượng kinh doanh trên nền tảng trang mạng xã hội

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao và các mục tiêu đề ra, Cục QLTTT tỉnh Thái Nguyên đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, Cục định hướng sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ như tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, kiểm tra trong hoạt động TMĐT, tập trung vào đối tượng kinh doanh trên nền tảng trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và thương nhân làm ăn chân chính.  

Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh cũng sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của họ trong giao dịch trực tuyến. Các chương trình đào tạo và tuyên truyền sẽ được triển khai nhằm trang bị cho các bên liên quan kiến thức cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đồng thời, Cục cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ sung kiến thức nghiệp vụ trong lĩnh vực TMĐT cho công chức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng kiểm tra xử lý vi phạm hành chính để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tận dụng những thành quả của công nghệ giai đoạn hiện nay, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến tới đưa vào sử dụng các các công nghệ hiện đại trong phân tích dữ liệu để theo dõi và cập nhật các xu hướng thị trường, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm về các hoạt động gian lận, lừa đảo. Những biện pháp toàn diện này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng.

Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo để đáp ứng những thách thức của thời đại số, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương.

Với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại và đào tạo nhân lực chất lượng cao, Cục sẽ tiếp tục phát huy vai trò dẫn đầu trong việc phát hiện và xử lý các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên và cả nước.

Sự kiên định và quyết tâm của Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thái Nguyên sẽ là nền tảng vững chắc cho sự an toàn và lành mạnh của thị trường mua sắm trực tuyến tỉnh, góp phần cùng ngành quản lý thị trường trên cả nước thực hiện có hiệu quả Đề án của Chính phủ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.