Theo các kịch bản được VEPR xây dựng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 cao nhất dự kiến chỉ ở mức 6,01%, thấp hơn mức mục tiêu 6,5%.
Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, tăng trưởng 6,5% khó có thể đạt được trong năm nay.
Nguyên nhân là bởi có sự thu hẹp trong khu vực công; cầu tiêu dùng còn yếu cả trong và ngoài nước, tác động tới chi tiêu khu vực tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu.
Cùng với đó, rủi ro tăng tỷ giá trong nửa cuối năm do rủi ro lạm phát và giảm động lực đầu tư khu vực tư nhân.
Theo kịch bản cơ sở, VEPR dự báo tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5,58%, lạm phát 4,5%, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra cũng như FDI không có biến động bất thường trong nửa cuối năm.
Tuy vậy, kịch bản này chỉ đạt được với một số giả định như cán cân thanh toán thặng dư tối thiểu 21 tỷ USD; đầu tư khu vực tư nhân (FDI, doanh nghiệp trong nước) tăng 12% và tiêu dùng khu vực tư nhân tăng 4,2% so với năm ngoái.
Ở kịch bản tốt hơn, tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,01% với điều kiện có điều chỉnh chính sách giảm chênh lệch lãi suất đồng VND trong nước và các các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực về huy động giữa đồng VND và USD.
Bên cạnh đó, tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.
Không chỉ VEPR, nhiều tổ chức khác cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay ở mức dưới mục tiêu đề ra.
Đơn cử, Ngân hàng Thế giới dự kiến Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay trong khi cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ tăng 6,3%.
HSBC dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng mức 6%, Standard Chartered dự báo ngưỡng tăng 6%, thấp hơn mức 6,7% đưa ra trước đó còn ngân hàng UOB dự báo cho Việt Nam ở mức 6%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm nay.
Tổ chức này lưu ý, nhu cầu toàn cầu suy yếu, việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế khác, cùng những căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng của Việt Nam khi đang dựa vào xuất khẩu.
Theo báo cáo mới đây từ VEPR, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế.
Không chỉ vậy, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện môi trường đầu tư và thủ tục hành chính để thu hút hiệu quả các dự án công nghệ cao.
Lạm phát cao và lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi các biện pháp kiểm soát lạm phát đồng bộ để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra, thị trường lao động cũng đối mặt với nhiều thách thức, như tỷ lệ thất nghiệp cao ở phụ nữ và thanh niên, cùng với điều kiện làm việc trong khu vực phi chính thức cần được cải thiện.
Việc thích ứng với công nghệ mới còn gặp khó khăn do thiếu kỹ năng và rào cản gia nhập công nghệ, đòi hỏi đầu tư vào giáo dục và đào tạo phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai là những thách thức lớn, yêu cầu các biện pháp ứng phó hiệu quả và đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững.
VEPR lưu ý thêm, sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài cũng tạo ra nguy cơ giảm khả năng tự chủ, đòi hỏi thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước.
Trong khi đó, áp lực đầu tư lớn cho phát triển năng lượng tái tạo cần được quản lý để không ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Sự biến động kinh tế toàn cầu, bao gồm áp lực lạm phát và bất ổn địa chính trị, có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đòi hỏi phải quản lý rủi ro một cách cẩn thận.
Khoản đầu tư tốt nhất cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam
Nhật Minh