Giải “cơn khát” vốn cho thương nhân lúa gạo

Trong thời điểm có phần gấp gáp như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo "bơm vốn" cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo...

Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, rào cản lớn nhất lúc này là việc tất cả thương nhân đều gặp khó khăn trong tiếp cận vốn lưu động, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua thời điểm chính vụ đang tới.

Cơ hội xuất khẩu lúa gạo với giá cao

Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn.

Thậm chí, sang tháng 2/2023, giá xuất khẩu gạo trung bình tiếp tục vọt lên mức 537 USD/tấn, tăng 17 USD/tấn so với tháng liền trước.

Hiện tại, các nước đều có nhu cầu dự trữ lương thực khá lớn. Với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gạo thơm, chất lượng cao, giá gạo của Việt Nam cao cũng là điều được giới chuyên môn dự báo trước.

Giá lúa gạo của việt nam

 

Đồng thời, giới chuyên môn cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi về bối cảnh. Trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.

Ngoài ra, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn tiềm ẩn.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho hay, các chuyến hàng ngũ cốc từ Biển Đen vẫn tiếp tục theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhưng thỏa thuận đó sẽ được đàm phán lại trong tuần này và có nguy cơ xung đột Nga - Ukraine sẽ leo thang, dẫn đến chuỗi cung ứng ngũ cốc có thể bị đứt gãy trở lại.

“Vì vậy, dự báo nhiều thương nhân quốc tế sẽ tăng mua lúa gạo trong bối cảnh tình hình nguồn cung thế giới không chắc chắn”, ông Toản đưa ra nhận định.

Nhu cầu lúa gạo vẫn rất lớn

Chung quan điểm, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Gấp rút “bơm vốn” cho thương nhân

Mặc dù đứng trước cơ hội tăng xuất khẩu với giá cao nhưng các doanh nghiệp gạo lại đang gặp khó khăn, đặc biệt vấn đề về nguồn vốn.

Mới đây, trong tọa đàm về tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, vốn tín dụng là vấn đề được cộng động thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm nhất hiện nay.

Tuy nhiên, hầu như tất cả thương nhân đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động. Hạn mức tín dụng thấp làm ảnh hưởng đến tiến độ thu mua của các thương nhân, nhất là thời điểm chính vụ.

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch đông - xuân năm 2023, ngày 24/3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một số nội dung đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.

Trong công văn vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt vụ thu hoạch đông - xuân trong những tháng đầu năm 2023.

Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp. Nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng và đánh giá rủi ro nhằm tăng cường cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, đặc biệt là cho vay tạm trữ, xuất khẩu gạo.

lúa gạo việt nam đang gặp thiên thời địa lợi Ngành lúa gạo việt nam đang gặp "thiên thời, địa lợi". Nguồn: VCBS

 

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách, gồm: (i) Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 và Công văn số 7378/NHNN-TD ngày 01/10/2018 của NHNN về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; (ii) Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa gạo theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện 4 nội dung.

Thứ nhất, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch Đông - Xuân năm 2023; không để xảy ra tình trạng khách hàng phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng dẫn tới ách tắc trong khâu thu mua thóc, gạo trên địa bàn.

Thứ hai, bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay ngành gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quy định của ngân hàng thương mại về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Thứ tư, phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường triển khai "Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp" nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.