Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Long Đức 3, tỉnh Đồng Nai vừa được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu quỹ đất cho các nhà đầu tư hiện nay.
Hiện các khu công nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai đã có tỷ lệ lấp đầy khoảng 85%
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay quỹ đất còn lại trong các khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh trên địa bàn Tỉnh không còn nhiều, nhất là các khu công nghiệp ở những địa bàn trọng điểm như Long Thành, Biên Hòa, Nhơn Trạch.
Thiếu quỹ đất cho nhà đầu tư
Đồng Nai hiện đã quy hoạch đến 40 khu công nghiệp, trong đó có 32 khu công nghiệp được thành lập. Riêng 8 khu công nghiệp mới (gồm Cẩm Mỹ, Gia Kiệm, Phước Bình, Phước Bình 2, Long Đức giai đoạn 2, Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn), với tổng diện tích hơn 8.200ha, đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, các khu công nghiệp trên đều gặp các vướng mắc thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu…
Các khu công nghiệp đang hoạt động đã có tỷ lệ lấp đầy khoảng 85%, quỹ đất trong khu công nghiệp còn lại có thể cho các nhà đầu tư thuê khoảng hơn 237ha nhưng không liền khoảnh, rời rạc, không có diện tích đất lớn đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Diện tích đất công nghiệp dành cho thuê còn vướng bồi thường, giải tỏa và chưa hoàn chỉnh hạ tầng khoảng 813ha. Vì vậy diện tích đất công nghiệp cho thuê còn lại rất hạn chế.
Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2022, tốp 5 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước thuộc về Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng.Lần đầu tiên trong vòng 30 năm, Đồng Nai rớt khỏi nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI.
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết, vốn FDI vào tỉnh thời gian qua không có sự bứt phá là do thiếu quỹ đất công nghiệp với diện tích 5-10ha để doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy sản xuất.
Thực tế, nhiều tập đoàn lớn như Aeon, De Heus, Pandora… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đồng Nai. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất diện tích lớn nên Đồng Nai đã để vuột mất cơ hội thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào các khu công nghiệp.
Cụ thể, Tập đoàn Lego của Đan Mạch ban đầu dự tính đặt nhà máy ở Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành song không tìm được quỹ đất đủ lớn, nên tập đoàn này quyết định chuyển đến Bình Dương đầu tư.
Việc thiếu quỹ đất công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giảm sức cạnh tranh của địa phương. Do đó, cần phải có giải pháp tháo gỡ, trước mắt là xử lý ngay những vướng mắc về mặt bằng tại các khu công nghiệp hiện có.
Từng bước gỡ nút thắt
Trước nhu cầu cấp bách về quỹ đất, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện một số giải pháp như thành lập tổ công tác đi ghi nhận tại từng địa phương, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án khu công nghiệp mới. Tỉnh cũng đang hướng tới thu hút các dự án đầu tư về lĩnh vực phát triển kinh tế thân thiện môi trường, các dự án có sự chọn lọc, chiếm ít diện tích đất, nhân công để hướng đến nền công nghiệp xanh.
Đầu tháng 7, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp mới, trong đó có khu công nghiệp Long Đức 3 và 2 khu công nghiệp khác là Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành) và Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ). Khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, các khu công nghiệp này sẽ có trên 4 ngàn ha đất công nghiệp cho các doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy sản xuất.
Xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 842/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Long Đức 3, tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần khu công nghiệp Long Đức 3. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với quy mô sử dụng đất của dự án là 244,5 ha. Vốn đầu tư của dự án 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 270 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 14/7/2023, tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra, xác định, đảm bảo việc nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án tại thời điểm cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Long Đức 3 với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và có sự kết nối về hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần khu công nghiệp Long Đức 3 đã giúp giải quyết được phần nào tình trạng thiếu quỹ đất cho các nhà đầu tư hiện nay của tỉnh Đồng Nai.
Phối cảnh một góc khu công nghệ cao Long Thành
Bên cạnh các khu công nghiệp đang được xem xét chủ trương và khu công nghiệp vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư, Đồng Nai cũng vừa khởi công Khu công nghệ cao Long Thành trên diện tích 410 ha, đặt tại Huyện Long Thành, có tổng diện tích 410ha, tiếp giáp với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành- Dầu Giây, cách Sân bay quốc tế Long Thành 10km, kết nối cảng biển - sân bay thông suốt. Chủ đầu tư là Công ty CP đô thị Amata Long Thành (thuộc Tập đoàn Amata). Dự án có tổng vốn 282 triệu USD, tương đương 6663,6 tỷ đồng.
Là một trong số ít những khu công nghiệp còn dư địa đất để cho thuê của tỉnh Đồng Nai hiện nay, nên mặc dù đang trong giai đoạn đang triển khai nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Khu công nghệ cao Long Thành đã tiếp nhận rất nhiều nhu cầu thuê đất xây dựng dự án với hơn 40 nhà đầu tư quan tâm, nhu cầu thuê trên 300 ha đất công nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc…
Yếu tố hấp dẫn của Khu công nghệ cao này là huyện Long Thành có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là giao điểm của 3 tuyến cao tốc đã và đang được xây dựng là TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Biên Hoà - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Long Thành hiện có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 20 km2 gồm: An Phước, Gò Dầu, Long Đức, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn. Trong đó, khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn có nhiều lợi thế về hạ tầng khi chỉ cách sân bay Long Thành 10 km, nằm gần QL51, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, huyện sẽ tăng thêm gần 49 km2 đất công nghiệp.
Theo kế hoạch đã được công bố, năm 2025, sân bay quốc tế Long Thành; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đưa vào khai thác, cộng với các khu công nghiệp mới hoàn thành đầu tư hạ tầng, Đồng Nai sẽ có rất nhiều lợi thế để thu hút FDI.
Khi “nút thắt” về hạ tầng được tháo gỡ, dòng vốn FDI vào Đồng Nai chắc chắn sẽ có những bước đột phá, giúp địa phương lấy lại vị thế top đầu về thu hút FDI.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2023, cả nước hiện có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 khu công nghiệp đã được thành lập; 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58,7 nghìn ha. Ngoài ra còn có 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với diện tích đất công nghiệp khoảng 23,8 nghìn ha.
Nhìn chung, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức trên 90% trong năm 2022. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn.
Cao su Đồng Phú (DRP): Tham vọng xoay trục sang kinh doanh bất động sản khu công nghiệp Hà An