Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng...
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã có những chia sẻ với báo chí về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Thưa Phó Thống đốc, nhìn lại năm 2024, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đạt hiệu quả trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định thị trường tài chính, xin ông chia sẻ thêm về điều này?
Năm 2024 là năm bứt phá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định thành công việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết thanh khoản thị trường tiền tệ linh hoạt, phù hợp, vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá, vừa ổn định thị trường tiền tệ; giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Trên thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các "cú sốc" bên ngoài trong bối cảnh thị trường ngoại tệ và tỷ giá chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng.
Trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng khoảng 15% năm 2024, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tiễn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tính đến hết năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 15,08%. Tổng doanh số cho vay trong năm đạt 23 triệu tỷ đồng, thu nợ khoảng 21 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cuối năm 2024 đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 2,1 triệu tỷ đồng so với mức 13,5 triệu tỷ đồng của năm 2023.
Có thể thấy trong môi trường quốc tế biến động, kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, Việt Nam có độ mở lớn và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng điều hành chính sách tiền tệ vẫn thực hiện được những nhiệm vụ chính trị đặt ra, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, ngoại tệ, tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.
Kết quả này đã hỗ trợ thực hiện thành công các mục tiêu vĩ mô năm 2024 gồm tăng trưởng kinh tế 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5% và kiểm soát lạm phát ổn định ở mức 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Xin Phó Thống đốc cho biết thêm về định hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025, đặc biệt trong việc duy trì cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát?
Năm 2025 được dự báo tiếp tục là một năm đầy thách thức khi kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất định và tiềm ẩn rủi ro. Lạm phát toàn cầu giảm nhưng chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn; giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan...
Trong khi đó, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế xuất phát từ nội tại của nền kinh tế như những khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa thể giải quyết ngay; sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn thấp khi nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính giảm sút, đặc biệt là sau khi chịu tác động của đại dịch Covid-19, cùng với đó là xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân...
Với những khó khăn, thách thức này, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO) đều nhận định dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, có thể thấy, mặc dù trong những năm qua, sự thành công trong điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát đã nâng cao uy tín của Ngân hàng Nhà nước cũng như neo giữ kỳ vọng lạm phát tương đối vững chắc, nhưng rủi ro lạm phát năm 2025 là không thể chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất định.
Việc đánh giá thấp rủi ro lạm phát, dẫn đến phản ứng chậm trong chính sách tiền tệ có thể dẫn đến hệ quả, tác động tiêu cực lên các hoạt động kinh tế. Theo đó, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Quốc hội, Chính phủ đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, đảm bảo giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Phời gian tới, Phó Thống đốc nhận định như thế nào về vai trò của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số?
Nhìn lại 40 năm đổi mới, đất nước đã giành được những thắng lợi to lớn, quy mô kinh tế đất nước tăng 96 lần, từ một nước nghèo và lạc hậu trở thành nước đứng vào nhóm 34 nền kinh tế có quy mô lớn nhất trên thế giới (năm 2023), khẳng định được cơ đồ và vị thế, trở thành đối tác hợp tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc khu vực và trên thế giới, tạo tiền đề vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.
Trong 4 thập kỷ đó, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành ngân hàng đã đạt được kết quả toàn diện trên mọi mặt hoạt động, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối đến củng cố, phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, mở rộng hợp tác quốc tế, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu vốn cho nền kinh tế...
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sắp tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 7 nhiệm vụ lớn phải làm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và trong kỷ nguyên mới, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Các nhiệm vụ này phải được tiến hành đồng bộ, nhưng nhiệm vụ đầu tiên phải làm cho chuyển biến ngay chính là thể chế, để từ đó có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ hạ tầng kinh tế đến hạ tầng xã hội, toàn Đảng, toàn dân một ý chí, một hành động để thực hiện.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp nối truyền thống suốt 70 năm hình thành và phát triển, tập trung vào những nhiệm vụ lớn.
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tăng khả năng thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, thực hiện tái cơ cấu và củng cố hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh, hiệu quả, tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế, để thực hiện tốt hơn vai trò chu chuyển vốn và nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế.
Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng phù hợp với bối cảnh mới.
Thứ tư, phát triển và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tiện ích cho doanh nghiệp và người dân, góp phần vào chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!