Trong năm 2024, các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước tính đã giải ngân được khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế chậm lại, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng thu hút vốn FDI. Tính đến hết năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023.
Hàng loạt tập đoàn lớn vào Việt Nam
Trong năm 2024, hàng loạt tập đoàn lớn đã đầu tư vào Việt Nam như: Tập đoàn công nghệ Amkor đầu tư 1,07 tỷ USD, Tập đoàn LG đầu tư 1 tỷ USD, Tập đoàn Hyosung đầu tư 700 triệu USD vào Dự án nhà máy sợi sinh học Bio-BDO (Butanediol), Tập đoàn Talway đầu tư 700 triệu USD, Capital Land đầu tư 661 triệu USD, Foxconn đầu tư 551 triệu USD vào Dự án về sản phẩm giải trí thông minh và thiết bị hệ thống thông minh,...
Bên cạnh đó, hàng chục đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến thăm và hứa hẹn sẽ đầu tư vào Việt Nam. Nổi bật trong số đó là việc Chủ tịch Nvidia trở lại Việt Nam vào tháng 12 vừa qua và chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam, bằng việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI. Ngoài Nvidia, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, SpaceX có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam, đồng thời 15 công ty Mỹ, bao gồm cả các công ty bán dẫn cho biết sẵn sàng đầu tư 8 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch tại Việt Nam.
Đáng chú ý, đối tác quen thuộc của Việt Nam là các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng công bố hàng loạt kế hoạch mở rộng trong năm nay như: Hyosung (Hàn Quốc) đã đầu tư 3,5 tỷ USD vào Việt Nam và dự kiến đầu tư thêm 2 tỷ USD; Samsung dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam. Samsung Display cũng đã ký bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử tại Bắc Ninh trị giá 1,8 tỷ USD.
Trong làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào chip bán dẫn từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nhiều công ty bán dẫn của EU đang tìm kiếm đối tác thay thế ở khu vực châu Á, trong đó Việt Nam và Ấn Độ là hai ứng cử viên tiềm năng. Alibaba dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào VSIP hay Google cũng xác nhận mở công ty Google Việt Nam.
Với những tín hiệu tích cực này, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dù tổng vốn đăng ký giảm nhẹ 3% nhưng sự gia tăng đáng kể ở vốn điều chỉnh (50,4%) và số lượng dự án mới (1,8%) trong năm 2024 cho thấy niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn đã được triển khai, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Ngoài ra, khu vực này tiếp tục ghi nhận những đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Xuất khẩu, bao gồm dầu thô, ước đạt gần 290,8 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023, chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không kể dầu thô, xuất khẩu đạt hơn 289 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,4% tổng kim ngạch. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt gần 241,6 tỷ USD, tăng 15,5%, chiếm 63,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhờ đó, xuất siêu gần 49,2 tỷ USD nếu tính cả dầu thô và 47,5 tỷ USD không kể dầu thô, giúp bù đắp phần nhập siêu hơn 25,4 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, đưa cả nước đạt mức xuất siêu 23,8 tỷ USD.
|
Việt Nam đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu dooanh nghiệp FDI. Ảnh: HẢI ANH
|
Hình mẫu thành công
Với mức giải ngân vốn kỷ lục, Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và nền tảng tăng trưởng kinh tế khá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư và đối tác thương mại.
Cụ thể, trong đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, Ngân hàng HSBC dự báo trong năm 2025, dòng vốn này vào lĩnh vực sản xuất sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Mỹ đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta hay Shunsin - một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.
Còn theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, việc ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025 có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho thế giới ổn định hơn. Tuy vậy, việc sử dụng thuế quan với mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với nhập khẩu từ các nước khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư và xây dựng nhà máy vào Việt Nam, sản xuất hàng hóa và xuất đi Mỹ. Do đó, nguồn FDI của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong năm 2025.
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và toàn cầu đang trở nên gay gắt trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam đã chính thức ban hành Nghị đ̣ịnh 182 quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) trong hai lĩnh vực này sẽ được hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu. Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 182 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao của Việt Nam. Khi các doanh nghiệp “đại bàng” như Nvidia bắt đầu đầu tư, nhiều khả năng sẽ xuất hiện làn sóng đầu tư tương tự từ các tập đoàn khác. Nếu được triển khai đúng đắn, chính sách này không chỉ đem lại sự phát triển kinh tế bền vững mà còn tạo “bàn đạp” cho Việt Nam trở thành công xưởng công nghệ cao của khu vực.
Ở góc nhìn tích cực, ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lãnh đạo trẻ thế giới tại Việt Nam (năm 2022) nhận định, giải ngân vốn FDI vào Việt Nam trong 2025 có thể đạt mức kỷ lục hơn 30 tỷ USD, nhờ dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel, cùng quyết tâm phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao như các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, logistics, dược phẩm... thông qua môi trường kinh doanh hấp dẫn, ưu đãi và thủ tục đầu tư đặc biệt.
Năm 2024 có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn, tăng 31,4% so với năm 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5%, tăng 37,5%. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc) và Nhật Bản. Địa bàn đầu tư cho thấy Bắc Ninh dẫn đầu với gần 5,12 tỷ USD, gấp hơn 2,8 lần so với năm 2023. Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh lần lượt đứng thứ 2 và 3 với hơn 4,94 tỷ USD và 3,04 tỷ USD.
GIA HƯNG