Các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 6/7 giảm mạnh, chứng kiến một đợt bán tháo trên diện rộng sau khi dữ liệu cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất…
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 366,38 điểm (-1,07%) xuống 33.922,26 điểm; S&P 500 mất 35,23 điểm (-0,79%) xuống 4.411,59 điểm ; Nasdaq Composite hạ 112,61 điểm (-0,82%) thành 13.679,04 điểm.
S&P 500 ghi nhận mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 23/5. Chỉ số Dow cũng chứng kiến mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 2/5.
Tất cả 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều giảm điểm. Năng lượng là lĩnh vực dẫn đầu, mất khoảng 2,5%, trong khi hàng tiêu dùng không thiết yếu thấp hơn 1,7%.
Xu hướng tăng nhẹ của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã phần nào hạn chế đà lao dốc của các chỉ số chính, nhờ đó đóng cửa trên mức thấp nhất trong phiên. Microsoft tăng 0,9% trong khi Apple tăng 0,3%.
Trong khi đó, cổ phiếu Exxon Mobil Corp giảm 3,7% khi tập đoàn dầu mỏ này báo hiệu lợi nhuận hoạt động quý hai không khả quan do giá khí đốt tự nhiên thấp hơn và biên lợi nhuận lọc dầu yếu hơn.
Theo dữ liệu của Refinitiv, báo cáo doanh nghiệp quý hai sẽ được công bố trong vài tuần tới với thu nhập S&P 500 dự kiến sẽ giảm 5,7% so với một năm trước.
Ông King Lip, chiến lược gia trưởng tại Baker Avenue Wealth Management, cho biết: “Bạn đang có một tình huống là lãi suất có khả năng tăng cao hơn và lợi nhuận doanh nghiệp bấp bênh. Đó thường không phải là một sự kết hợp tốt cho chứng khoán”.
Cổ phiếu của JetBlue Airways trượt 7,2%, một ngày sau khi công ty cho biết họ sẽ tuân theo yêu cầu chấm dứt liên minh với American Airlines để bảo vệ kế hoạch mua lại Spirit Airlines.
Khoảng 11,7 tỷ cổ phiếu được trao tay trên các sàn giao dịch của Mỹ, cao hơn so với mức trung bình hàng ngày 11,1 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng vọt sau dữ liệu thị trường lao động. Lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm vượt trên 4% trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, thường thay đổi theo kỳ vọng lãi suất, đạt mức cao nhất trong 16 năm là 5%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng 6 nhưng nhiều người cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 7. Một lần nữa củng cố cho dự đoán này, dữ liệu kinh tế mới đây cho thấy bảng lương tư nhân đã tăng nhiều hơn dự kiến vào tháng 6, chỉ ra một thị trường lao động vẫn vững chắc bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng. Một báo cáo riêng cho thấy cơ hội việc làm của Mỹ đã giảm trong tháng 5, nhưng vẫn ở mức cao.
Triển vọng tăng lãi suất vào tháng 7 được định giá ở mức 93%, theo Công cụ giám sát lãi suất Fed của Investing.com.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu gần như đi ngang trong ngày 6/7 khi thị trường cùng cân nhắc sự thắt chặt nguồn cung cũng như tình hình lãi suất cao hơn tại Mỹ có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Dầu thô Brent giảm 13 cent xuống mức 76,52 USD/thùng, sau khi tăng 0,5% vào ngày hôm trước.
Dầu thô WTI tăng 1 cent lên 71,80 USD/thùng, sau khi tăng 2,9% trong giao dịch sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh Mỹ, bắt kịp mức tăng của dầu Brent hồi đầu tuần.
Hỗ trợ một chút cho giá dầu là dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước. Dự trữ dầu thô đã giảm 1,5 triệu thùng xuống 452,2 triệu thùng. Tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng thấp hơn.
Ông Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết: “Thị trường phần lớn vẫn bị chi phối bởi những lo ngại về việc tăng lãi suất. Điều này xảy ra vào thời điểm OPEC+, đặc biệt là Saudi Arabia và Nga, đang nhắc lại cam kết của họ trong việc hạn chế sản xuất và xuất khẩu”.
Hai nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới đã công bố đợt cắt giảm sản lượng mới cho tháng 8. Tổng số lượng cắt giảm hiện ở mức hơn 5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương với 5% sản lượng dầu toàn cầu.