Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 5124/VPCP-TH ngày 18/7/2024 của Văn phòng Chính phủ, chiều 30/7/2024, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã tổ chức Hội thảo thảo luận về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu.
Hội thảo do Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Phan Văn Chinh chủ trì, với sự tham dự của đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xăng dầu và một số chuyên gia kinh tế.
Cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, trên thế giới, việc giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hoá nhằm mục đích bảo hiểm giá và đầu tư. Tại Việt Nam, các quy định pháp luật hiện tại cũng như vậy, không hạn chế về chủ thể, mục đích tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hoá.
Tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên được Bộ Công Thương cho phép giao dịch thí điểm tại MXV từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024. Quá trình giao dịch thí điểm diễn ra an toàn, ổn định, không phát sinh sự cố, bước đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, là kênh cung cấp thông tin quan trọng đến các cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí.
Tuy nhiên, hoạt động chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vì chính sách chưa ổn định. Quyết định cho phép giao dịch thí điểm theo từng năm, hết phải gia hạn, việc thí điểm dừng từ ngày 27/5/2024 với lý do không rõ ràng. Nghị định 83 cho phép doanh nghiệp được giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hoá, nhưng các Nghị định sửa đổi lại bỏ quy định này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chưa có chính sách về chế độ hạch toán, kế toán cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hoá nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, việc lập sàn giao dịch xăng dầu cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện. Bởi hiện nay, chiếm cao nhất trong giá thành xăng dầu, lên đến 65% là giá thế giới, còn lại là thuế phí. Trong khi đó, cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, còn lại là nhập khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lý giải kỹ hơn, hiện, thế giới chỉ có 2 Sàn Giao dịch xăng dầu tiêu biểu thành công là Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn giao dịch London cho dầu thô Brent. Hai sàn này thành công là do tạo ra được một “sân chơi” đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán…
Ngay cả Trung Quốc - thị trường xăng dầu lớn thứ 2 thế giới trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy, nhưng không thành công.
“Vậy nếu Việt Nam thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu thì có hoạt động độc lập được với các sàn của thế giới không? Tôi nghĩ là không vì dù Việt Nam là nước có xuất khẩu dầu thô, có nhà máy lọc dầu nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu thô về để lọc và để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Tức là giá trong nước không thể độc lập, không thể không ảnh hưởng bởi giá thế giới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn chia sẻ và cho biết thêm, hiện cơ chế ảnh hưởng lớn nhất là nhà nước vẫn đang điều hành giá xăng dầu. Chừng nào Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn.
“Ví dụ hôm nay giá dầu thô xuống mạnh. Nếu giao dịch trên sàn, thì giá trên sàn sẽ cao hơn giá thị trường và doanh nghiệp phải chờ đến kỳ điều hành tiếp theo mới được điều chỉnh giá. Do đó, việc giao dịch sẽ khó khăn”, ông Hùng phân tích.
Bên cạnh đó, xu hướng của các sàn giao dịch trên thế giới là thực hiện giao hàng trong tương lai. Một lô hàng được giao dịch trên sàn hôm nay thì có thể 15, thậm chí 45 ngày sau mới được nhận hàng. Tức là Sàn giao dịch xăng dầu chỉ có tác dụng lớn nhất là bảo hiểm giá cho doanh nghiệp.
Về phía các chuyên gia, PGS.TS Ngô Trí Long nêu ý kiến, đặc thù của thị trường xăng dầu Việt Nam là giá do Nhà nước điều hành. Trong khi đó, nếu thành lập sàn giao dịch xăng dầu thì phải tuân thủ theo quy định quốc tế chứ không thể “một mình một chợ”. Đồng thời, việc thành lập sàn giao dịch cũng đòi hỏi chi phí vô cùng lớn, từ đầu tư cho hệ thống an ninh mạng, phần mềm, nhân sự vận hành, nhân sự giám sát quản lý…
Do đó, trước mắt, vị chuyên gia này cho rằng, Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã từng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối được sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá. Tuy nhiên, các Nghị định sửa đổi sau này đã bỏ quy định này. Vì xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên cần đưa quy định này trở lại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng: Cho phép tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép giao dịch tại MXV để bảo hiểm giá.
“Trước mắt, nên cho phép giao dịch liên thông các mặt hàng năng lượng tại MXV như Bộ Công Thương đã từng cho MXV thí điểm niêm yết giao dịch từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024, để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm giá xăng dầu và đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, xem xét để xem nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu như thế nào cho phù hợp với thực tiễn”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Ở góc độ khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Nếu đặt mục tiêu thành lập một Sàn giao dịch xăng dầu như quốc tế thì chắc chắn ở Việt Nam chưa thể làm được. Còn nếu hình thành một mô hình sàn giao dịch như là nơi để các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, phân phối xăng dầu cùng giao dịch thì đó là mô hình trung tâm mua bán xăng dầu mang tính vật chất, sẽ khác với mô hình sàn giao dịch hàng hoá”.
Xác định rõ mô hình sàn giao dịch
Bàn luận về việc sàn giao dịch xăng dầu sẽ vận hành ra sao, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mong muốn của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là muốn có một sàn giao dịch xăng dầu theo mô hình của các sàn thương mại điện tử hiện nay. Tại đó, các doanh nghiệp đầu mối công khai giá để các doanh nghiệp phân phối bán lẻ có thể mua. Mọi thứ đều công khai minh bạch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình như vậy không phải là mô hình sàn giao dịch theo thông lệ quốc tế.
Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu rõ, việc cho phép doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch là chủ trương đúng đắn, ta cần cố gắng làm, nhưng để xây dựng, vận hành sàn xăng dầu có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đặt ra thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự đồng thuận của các cấp các ngành và năng lực đáp ứng của doanh nghiệp.
“Khi đã có Sàn Giao dịch xăng dầu, cũng phải tính đến việc nhà nước quản lý mặt hàng này như thế nào. Bởi khi thành lập sàn, nhà nước đẩy giá cho doanh nghiệp quyết định. Vậy khi giá biến động thất thường thì làm thế nào? Chưa kể, vấn đề dự trữ lưu thông của doanh nghiệp, dự trữ quốc gia ra sao khi vấn đề này liên quan mật thiết đến an ninh năng lượng quốc gia? Thêm nữa, có cần tách riêng Sàn giao dịch xăng dầu hay tích hợp chung vào giao dịch nhiều mặt hàng khác? Tất cả các câu trả lời này cần phải được giải đáp. Do đó, trước mắt, Hiệp hội chỉ kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam bằng nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá chứ chưa kiến nghị thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu”, ông Khanh chia sẻ.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, đây là hội thảo đầu tiên Bộ Công Thương thực hiện nhằm lắng nghe ý kiến của Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu ở Việt Nam. Các ý kiến cho dù mới ở bước đầu, nhưng rất đáng quan tâm.
Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ tiếp tục lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội để vừa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, vừa xem xét, nghiên cứu thành lập một mô hình phù hợp với Việt Nam.