Bảo đảm công bằng trong xét tuyển đại học

Trong kế hoạch tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Nói không với xét tuyển học bạ

Theo đề án tuyển sinh năm 2025 được Trường đại học Kinh tế quốc dân công bố mới đây, nhà trường dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024. Theo đó, phương thức 1 xét tuyển thẳng, trường dành 2% theo tổng chỉ tiêu và theo mã tuyển sinh, giống năm 2024. Phương thức 2 xét tuyển kết hợp, trường dành 83% theo tổng chỉ tiêu và mã tuyển sinh, tăng 3% so với năm 2024. Phương thức 3 xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 15% theo tổng chỉ tiêu và theo mã tuyển sinh, giảm 3% so với năm 2024.

Đặc biệt, năm 2025, Trường đại học Kinh tế quốc dân sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển, gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh). Các môn thi đều tính hệ số 1 khi xét tuyển. Như vậy, năm 2025 Trường đại học Kinh tế quốc dân dừng 5 tổ hợp xét tuyển so với năm 2024, gồm B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lý), D09 (Toán, Lịch sử, tiếng Anh), D10 (Toán, Địa lý, tiếng Anh).

So với những năm trước, Trường đại học Kinh tế quốc dân không còn sử dụng điểm học tập THPT (điểm học bạ) để xét tuyển. Điều này tạo được sự chú ý với nhiều chuyên gia tuyển sinh, trong bối cảnh các trường đại học dần công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025. Bởi trong nhiều phương thức xét tuyển các trường đại học sử dụng, xét học bạ là phương thức chiếm tỷ trọng lớn bên cạnh xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng, điểm thi đánh giá năng lực.

Còn tại ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường này không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Kể từ năm 2022 trở về trước, trường cũng chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, trường cũng đã bỏ yêu cầu này.

Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng vừa công bố 4 phương thức xét tuyển trong năm 2025. Phương thức 1 xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khoảng 10% chỉ tiêu. Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên khoảng 10 - 20% chỉ tiêu. Phương thức 3 xét tuyển dựa trên kỳ thi

đánh giá năng lực chuyên biệt do nhà trường tổ chức, chiếm 40 - 50% tổng chỉ tiêu. Cuối cùng, nhà trường xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT với khoảng 20 - 40% cho các ngành có sử dụng phương thức 3 hoặc 70-80% cho các ngành không có phương thức 3.

Như vậy, từ năm 2025, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh sử dụng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt như một phương thức độc lập, đồng thời không sử dụng học bạ THPT trong xét tuyển. Những năm trước, nhà trường sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển như một phương thức độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30 - 40% chỉ tiêu).

Nhiều trường đại học hiện nay cũng đã quyết định không xét tuyển học bạ, bởi lo ngại điểm học bạ của các trường THPT thường không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc không bảo đảm công bằng trong xét tuyển đầu vào.

Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ lên ngôi?

Ủng hộ phương án bỏ phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ, nhiều thầy, cô giáo cho rằng, việc này sẽ tạo sự công bằng trong chặng đua vào đại học sắp tới. Bỏ phương thức xét học bạ phù hợp với đổi mới tuyển sinh, dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025 tới đây sẽ thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. Theo đó, cần thay đổi tư duy học và đánh giá học sinh. Việc áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ khiến việc học của học sinh và việc đánh giá của thầy, cô không thực chất. Do đó, bỏ xét học bạ và đánh giá học sinh bằng các kỳ thi của Bộ GD&ĐT và phương pháp đánh giá riêng của trường đại học hợp lý hơn.

Chị Nguyễn Ánh Dương có con học lớp 12 Trường THPT Xuân Đỉnh (Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho rằng, việc bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ phù hợp vì kết quả thi luôn là hình thức xét tuyển công bằng nhất. Các thầy, cô vì nhiều lý do, như thương học sinh, mong các em thi đỗ vào trường tốt hơn nên đã thay đổi điểm số, đánh giá học bạ, khiến học sinh và phụ huynh ảo tưởng, dẫn tới lựa chọn sai trường, ngành học. “Thực tế, năng lực của trẻ không tương xứng điểm số học bạ nhưng nhiều phụ huynh nghĩ con mình học giỏi nên chọn trường và ngành học cho con không phù hợp với khả năng, dẫn tới lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc”, chị Dương nói.

Em Nguyễn Trung Nghĩa, học sinh lớp 12 Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Xét tuyển bằng học bạ chỉ nên là tiêu chí phụ bởi xét phương thức này không công bằng. Mỗi trường có tiêu chuẩn, cách đánh giá bằng điểm số khác nhau, do đó sẽ thiệt thòi cho học sinh ở các trường không được thầy, cô ưu ái. Mặt khác, đề thi của mỗi trường khác nhau nên điểm đánh giá cũng sẽ khác nhau. Bởi vậy, em cho rằng, chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét học bạ nên giảm so với các phương thức xét tuyển khác để tạo công bằng cho thí sinh.

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc các trường đại học tốp trên, nhất là trường đào tạo chuyên ngành đặc thù bỏ phương thức xét học bạ là điều dễ hiểu. Bởi ở những trường, ngành này, tính cạnh tranh rất cao. Phương thức xét học bạ không đủ sức để sàng lọc, tuyển chọn sinh viên giỏi cho các trường.

Cũng theo TS Phương, nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT công bố các số liệu đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT cho thấy, điểm trung bình học bạ của học sinh luôn cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, ở một số tỉnh, thành phố, khu vực, sự chênh lệch này rất lớn. Điều này đặt ra những lo ngại của các trường đại học về việc thầy, cô “nương tay” khi cho điểm trong quá trình học tập, thi cử ở trường phổ thông.

Tuy nhiên, TS Phương không phủ nhận giá trị của kết quả học bạ, đồng thời không phản bác nếu các trường đại học sử dụng phương thức này để tuyển sinh. Theo ông, nếu loại trừ được những việc như “nương tay” cho điểm, dễ dãi trong đánh giá bậc THPT, kết quả học bạ cũng là thước đo đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách tương đối. Các trường đại học, tùy theo yêu cầu tuyển sinh, có thể sử dụng để xét tuyển. Về lâu dài, chuyên gia này cho rằng, các trường đại học sẽ tìm kiếm các phương án tuyển sinh riêng, phù hợp điều kiện thực tế. Trong đó, xu hướng hình thành các mạng lưới tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực sẽ phổ biến trong tương lai gần.

18 đại học, trường đại học đã thống nhất phối hợp tổ chức và sử dụng chung Kỳ thi tuyển sinh đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) trong tuyển sinh năm 2025. Từ đó, các trường có thể bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ THPT, hoặc giảm chỉ tiêu cho phương thức này. Một số trường tuy chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025, nhưng vẫn thống nhất quan điểm “nói không” với xét tuyển bằng học bạ, chẳng hạn như Trường ĐH Y Hà Nội.

Tin liên quan