GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng. Cô gái GenZ nói chức vụ không làm khó mình, ngược lại, đó là một hành trình học hỏi.

GenZ làm hợp tác xã

Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ về cơ duyên của mình với HTX, đó là năm 2020 khi đang ở quê nhà thôn Nam Yên (Hòa Bắc) học trực tuyến. Chị Trâm (Giám đốc) cùng các thành viên nghiên cứu và một số hộ muốn làm Tổ hợp tác về du lịch cộng đồng. Nhóm cũng định hướng tập trung vào lớp trẻ cùng tham gia nên đã kêu gọi sinh viên đang ở quê, hướng dẫn các bạn làm du lịch.

Đó cũng là lúc Lan Anh biết về du lịch cộng đồng và làm việc trong một tổ hợp tác. Mới đầu, cô gái 2K chịu trách nhiệm về hướng dẫn tour, cô cũng chủ động tìm hiểu thông tin văn hóa, đời sống của mọi người ở đây. Các tour tham quan cũng khá đơn giản, là đạp xe đạp dẫn đoàn đi tới bờ sông, cánh đồng, các điểm như nhà thờ… để tham quan chụp hình. Người dân các nơi tìm về Hòa Bắc cũng chỉ muốn ngắm cảnh vật thôn quê, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức ẩm thực ngon miệng.

Nhiều bạn trẻ không mặn mà nhiều với việc này, ai cũng có định hướng riêng và rời đi. Lan Anh là một trong số ít còn ở lại. Tổ hợp tác định hướng dần tập trung vào các cô, bác nông dân, những người đã bám trụ ở Hòa Bắc từ lâu.

Thời gian đầu, tổ hợp tác thực hiện những tour cho các em nhỏ tham quan, trải nghiệm cuối tuần, đây cũng là dịp để người dân được thử nghiệm, học tập và làm quen với làm du lịch. Lan Anh cũng tham gia, vừa là học tập, vừa là công việc cũng để nâng cao năng lực bản thân.

Trong một lần tổ hợp tác đón một đoàn sinh viên quốc tế đến để nghiên cứu học tập. Cả đoàn đã ngồi lại với các thành viên tổ và bà con, một bên đưa ra nhu cầu mong muốn, một bên đưa ra khả năng đáp ứng trên cơ sở hiện có. Từ đó cả hai cùng nhau xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho chuyến du lịch. Qua lần này, bà con biết xây dựng chương trình, là nền tảng để tổ hợp tác xác định chỉ thực hiện du lịch học tập, nghiên cứu.

Từ cô gái tham gia dẫn tour, tốt nghiệp Đại học, Lan Anh cũng trở về quê tiếp tục gắn bó. Tháng 3/2023, tổ hợp tác quyết định thành lập HTX, Lan Anh cũng được các cô chú thành viên, bà con tin tưởng, đặt niềm tin vào người trẻ để bầu làm Phó Giám đốc HTX. Tại đây, Lan Anh kiêm nhiệm thêm làm văn phòng, báo cáo, kế toán, truyền thông… và hỗ trợ bà con thành viên các công việc này.

Trong một năm qua, đồng hành cùng HTX, Lan Anh dường như đã trưởng thành hơn. Không chỉ nói chuyện tự tin, cô gái còn nắm rất vững mọi vấn đề, mọi câu chuyện. Ai cũng quen với hình cảnh cô gái nhỏ sáng sáng đạp xe từ nhà đến HTX làm việc, rồi đạp xe đến các hộ trong thôn khi có việc cần để trao đổi.

Khi hỏi về khó khăn gì khi giữ chức Phó Giám đốc HTX ở tuổi rất trẻ, Lan Anh chia sẻ: “Em thấy không khó gì, ai cũng cưng em. Bà con ở đây đồng lòng, mọi chương trình đưa ra đều được họp và kết quả đều là ý kiến từ bà con mà ra nên là khi mình triển khai các hoạt động rất dễ. Bản thân em chỉ luôn cố gắng hơn để nâng cao kiến thức. Em ở đây học được nhiều thứ, môi trường tốt để mình phát triển, nên em vẫn đang muốn gắn bó tại đây, đồng hành cùng bà con”.

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng ảnh 1

Hòa Bắc mang đến một không khí xanh mướt, mát mẻ.

Làm du lịch chỉ là “công cụ”

Khi tổ hợp tác quyết định thành lập HTX và xác định được 4 mục tiêu lớn của mình là bảo vệ rừng tự nhiên, hướng tới nông nghiệp sạch, bảo tồn văn hóa của đồng bào người Cơ Tu, tạo được sinh kế cho người dân, làm du lịch chỉ là một phần nhỏ trong đó.

Trước đây, bà con trong xã chỉ tập trung vào đón khách đến vui chơi, giải trí… những hộ không làm du lịch sẽ có cái nhìn tiêu cực, nên sự đoàn kết của bà con cũng bị ảnh hưởng. Khi HTX hướng đến du lịch học tập, là những đoàn khách sẽ ghé vào từng nhà, gặp mỗi người để tìm hiểu thông tin cũng như thưởng thức những văn hóa, ẩm thực đặc sắc, thì ai cũng có thể tham gia vào làm du lịch, bà con cũng đoàn kết hơn.

Hiện nay HTX có 19 thành viên chính thức, 279 thành viên liên kết, được chia thành 9 tổ: homestay, vận chuyển, thuyết minh, ẩm thực, nghề truyền thống, múa tung tung za zá, các dịch vụ khác… Các tổ cũng được nhiều đơn vị đến tập huấn về ẩm thực, buồng phòng, kế toán, truyền thông để nâng cao năng lực.

Khi có khách tới, tùy theo nhu cầu học tập của mỗi đoàn mà HTX sẽ báo để các tổ chuẩn bị, như tổ ẩm thực sẽ lên thực đơn, nấu nướng; tổ thuyết minh tham gia dẫn đoàn; tổ vận chuyển hỗ trợ xe đạp… Chị Hồ Thị Thanh Tỏa, là người Cơ Tu đang sinh sống tại thôn Tà Lang. Chị là thành viên HTX tham gia làm hướng dẫn viên, tổ ẩm thực, chị cũng có 2 homestay cho khách ở lại. Chị Thanh Tỏa chia sẻ: “Cùng làm việc với HTX giúp chúng tôi có được nhiều thứ lắm, vừa quảng bá được văn hóa vừa tiêu thụ sản phẩm của người Cơ Tu. Đồng thời cũng giúp tôi tự tin hơn, sẵn sàng vận động bà con cùng mạnh dạn phát triển, mọi người có thu nhập lại vừa gắn kết với nhau hơn”.

Năm 2023, HTX đón gần 5.000 lượt khách, dự kiến năm 2024 sẽ tăng lên nhiều hơn. Bên cạnh những nhóm sinh viên trong nước và nước ngoài đến học tập, HTX cũng đón các đoàn từ địa phương khác đến học tập mô hình, đoàn nghiên cứu nông nghiệp…

Bên cạnh đó, HTX cùng bà con cũng xây dựng mô hình đồi giữ nước. 1/3 diện tích đỉnh rừng sẽ giữ làm rừng tự nhiên, tiếp theo trồng cây lâu năm, xuống một tầng là cây ăn quả giúp bà con phát triển kinh tế, tiếp theo là đất trồng rau và dưới cùng làm ao cá. Khi thực hiện theo mô hình này sẽ phát triển bền vững, ruộng đồng có nước để làm nông nghiệp, mùa mưa có phù sa bồi đắp và dòng sông Cu Đê cũng không khô cạn. Hiện tại các thành viên đang thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời hoàn thiện dự án để tìm kiếm các đơn vị phối hợp thực hiện.

Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc cho biết: “Du lịch hiện nay là công cụ để bà con có sinh kế, để hướng tới bảo tồn, hướng tới giữ gìn sinh thái và rừng sẽ phục hồi trở lại, đây là mục tiêu cuối cùng của HTX. Để phát triển du lịch thì phải giữ gìn, nếu không mọi thứ chỉ là chớp nhoáng. Vì vậy, Hòa Bắc vẫn cần một sự chung tay lớn, không chỉ người dân mà cả chính quyền và du khách cũng cần hiểu được. Khi bảo vệ được rừng, có được sự bền vững thì nguồn nước dòng sông cũng sạch và đủ cung cấp cho thành phố”.

Tin liên quan