Luật Bộ sạc chung của Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 28/12/2024. Theo đó, EU quy định yêu cầu hầu hết các thiết bị điện tử mới bán ra ở thị trường khối chỉ sử dụng bộ sạc di động dùng chuẩn chung USB-C (trong ảnh).
Euro News cho hay, quy định trên chính thức có hiệu lực đối với các thiết bị công nghệ cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe, máy trò chơi điện tử, loa di động, máy đọc sách điện tử, bàn phím, chuột, hệ thống dẫn đường di động… được bán tại EU. Thời gian chuyển đổi được kéo dài hơn đối với máy tính xách tay và sẽ có hiệu lực từ ngày 28/4/2026.
Hội đồng châu Âu (EUC) đã phê duyệt Luật Bộ sạc chung của EU từ tháng 10/2022. Qua đó, EU cho phép các nhà sản xuất một thời gian chuyển tiếp để điều chỉnh thiết kế và bảo đảm tuân thủ sau khi quy định có hiệu lực. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải trang bị cổng sạc USB-C cho tất cả các thiết bị được bán tại EU nhằm mục đích giảm rác thải điện tử và chi phí cho người tiêu dùng.
Giới chức EU và các nước thành viên hoan nghênh quy định mới về bộ sạc, đồng thời nhấn mạnh rằng, điều này sẽ đơn giản hóa cuộc sống của người dân châu Âu, cũng như mang lại cơ hội tiết kiệm tài nguyên và cho phép đổi mới công nghệ. Bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Vì sự phát triển kỹ thuật số châu Âu giải thích: “Không còn những bộ sạc khác nhau nữa. Một bộ sạc chung là lợi ích thật sự cho chúng ta với tư cách là người tiêu dùng. Điều này cũng có lợi cho môi trường, vì vậy, chúng tôi hoan nghênh quy định này”.
Ủy viên phụ trách Thị trường nội khối của Ủy ban châu Âu (EC), ông Thierry Breton cho biết: “Người tiêu dùng châu Âu có thể sử dụng một bộ sạc duy nhất cho tất cả các thiết bị điện tử cầm tay của họ, một bước quan trọng để tăng sự tiện lợi và giảm thiểu chất thải. Quy định góp phần tiết kiệm cho người tiêu dùng hằng năm và cho phép các công nghệ mới như sạc không dây phát triển”.
Trước đây, các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng tại châu Âu đã đồng ý sử dụng chuẩn sạc chung thông qua một thỏa thuận tự nguyện. Tuy nhiên, Tập đoàn Apple của Mỹ vẫn giữ lại loại cổng Lightning độc quyền, trong khi các nhà sản xuất khác cũng duy trì các loại sạc riêng, dẫn đến sự lộn xộn cho người tiêu dùng với hàng loạt loại sạc khác nhau.
Ngoài việc sử dụng tiêu chuẩn chung thống nhất cổng USB-C, giới chức châu Âu cũng quy định nhà sản xuất bảo đảm tốc độ sạc là như nhau khi sử dụng bất kỳ bộ sạc tương thích nào cho một thiết bị; yêu cầu bán riêng bộ sạc với thiết bị trong trường hợp người dùng mua thiết bị điện tử mới mà không cần bộ sạc mới… Các quy tắc này hiện áp dụng cho một loạt các thiết bị điện tử cầm tay và có thể được thêm vào danh sách trong tương lai sau khi có những báo cáo đánh giá thị trường.
Trong bối cảnh đối mặt tình trạng rác thải điện tử gia tăng và khó tái chế, “lục địa già” đang phải nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn hơn thông qua cải thiện quản lý và giảm thiểu rác thải điện tử. EC ước tính, quy định mới có hiệu lực sẽ tiết kiệm ít nhất 200 triệu euro mỗi năm cho người tiêu dùng và giảm hơn 1.000 tấn rác thải điện tử tại EU hằng năm. Đó là lý do EU xây dựng những chính sách hạn chế chất thải, theo đó các sáng kiến cũng tập trung theo hướng tái chế nhiều hơn và kéo dài thời gian sử dụng hơn. Quy định về bộ sạc chung là một phần trong những chính sách theo xu hướng này của các nhà quản lý thị trường chung châu Âu.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về môi trường, giới chức EU vẫn còn đứng trước nhiều thách thức. Nỗ lực hạn chế rác thải điện tử bằng quy định về bộ sạc chỉ giải quyết một phần trong số rất nhiều những nguồn rác thải điện tử khác như pin, màn hình, cảm biến và các thiết bị, tiện ích ngày càng nở rộ phục vụ cuộc sống con người.
THANH TÂM